8 giờ sáng mùng 7 Tết, các cửa hàng thuốc quanh Hapulico đều trong tình trạng khan hàng. KHẨU TRANG Y TẾ: 100 nghìn 1 hộp 20 chiếc, 250 nghìn 1 hộp 50 chiếc là giá chung, mà khách còn phải năn nỉ, xếp hàng, canh giờ để mua, chứ người bán không nhận giữ hàng.
Có một thứ cơ hội được sinh ra trong thảm họa. Có những nỗi sợ hãi đã biến thành tiền. Kinh doanh nỗi sợ hãi, trục lợi từ sự hoang mang của công chúng thậm chí còn trở thành một chiêu thức marketing.
Nói như những cô hàng thuốc bán lẻ, họ không tự định đoạt được giá thị trường, không tự thổi giá khẩu trang lên vô tội vạ. Sòng phẳng mà nói thì, dù người bán lẻ hay bán buôn, nhà sản xuất hay ai đó khác tăng giá cả một mặt hàng mà cả triệu người quan tâm, đó là chuyện của thị trường. Mà thị trường là việc thuận mua vừa bán, họ tăng giá và người dân vẫn cứ mua, họ thu lời mà chẳng lừa đảo ai.
Nhưng ở giữa pháp luật, cái lý, bên cạnh chữ đúng và chữ sai, còn chữ tình và chữ đạo nữa. Sống ở đời, không làm được việc thiện, ít nhất cứ đừng làm ác. Không nói được điều hay, thì ít nhất hãy cứ kiệm lời. Làm người, nên có lòng thương cảm, ít nhất cho đồng bào mình, trong nguy cơ về một thảm họa có thể ập đến và kéo theo những cái chết. Virus corona đáng sợ, dầu vậy, có một thứ đáng sợ hơn, đó là “ổ dịch” từ lòng người.
Lác đác đã có một số hộ kinh doanh ở Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho người dân với số lượng nhỏ. Một nhà thuốc ở Sơn La, một nhà thuốc ở Khánh Hòa, ca sĩ Pha Lê ở Sài Gòn cũng đang chung tay với “cuộc chiến khẩu trang”. Những đốm sáng ấy đã xoa dịu một phần cơn bức xúc của người dân với những tay buôn thổi giá. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, khi từng giờ trôi qua, đa số chúng ta lại giật mình thon thót khi nghe báo giá khẩu trang hay nước rửa tay sát khuẩn.
Nhưng có một sự thật khủng khiếp hơn, là dù mua được nhiều khẩu trang hay trữ được nhiều gel rửa tay diệt khuẩn thì một khoảng nhỏ cá nhân ấy cũng chả giải quyết vấn đề gì khi dịch bệnh vẫn còn.
Giống như chuyện lão nông nọ, sau khi làm ra giống ngô tốt đẹp, năng suất cao, sản lượng lớn để gieo trồng trên cánh đồng nhà mình, đã đem chia giống cả cho hàng xóm để họ cùng trồng cấy. Bà vợ giãy nảy bảo ông gàn dở, ông lão chỉ mỉm cười. Vì ông hiểu rằng, những bắp ngô nhà mình chỉ thực sự tuyệt hảo nếu được thụ phấn bởi những hạt phấn li ti cũng hoàn hảo mà hàng xóm của ông gieo trồng. Nếu chỉ bo bo gieo hạt tốt cho nhà mình, mặc kệ hàng xóm trồng giống ngô quặt quẹo, sao có thể chắc ngô của mình vẫn ngon?
Virus corona, hẳn nhiên chẳng tốt đẹp gì như hạt giống ngô, cũng chẳng ai muốn nó rơi vào nhà mình mà sinh sôi nảy nở trong đó, nhưng nó cũng có thể lây trong không khí chỉ với một cú chạm tay, một hơi thở. Bạn thử nghĩ mà xem, trong cùng một thế giới này, muốn mình an toàn thì cũng phải giữ an toàn cho kẻ khác nữa. Nếu kẻ khác đói khổ, bệnh tật, làm sao tin rằng mình được hạnh phúc, toàn vẹn? Nếu ai đó vì lý do gì mà chẳng đeo khẩu trang trong dịch virus corona, liệu chúng ta có thật sự vô can?
Nguồn Afamily