1. Lịch sử làng gốm Bát Tràng
Nằm bên tả ngạn sông Hồng cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông nam. Bát Tràng là một làng gốm cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam.
Theo tiến trình lịch sử, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ Bát Tràng có từ thời Lý, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra Thăng Long, Hà Nội, năm 1010. Năm dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm của hai làng là Bồ Xuyên và Bạch Bát (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng quê ta chốn kinh thành để tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi có nguồn đất sét trắng dồi dào làm nguyên liệu thô để sản xuất ra đồ gốm. Như vậy, làng gốm sứ Bát Tràng đã có hơn 1.000 năm tuổi.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của nhà sử học Ngô Sĩ Liên ghi: Bát Tràng có tên là Xã Bát, Làng Bát từ đời nhà Trần. Thời Lê xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An trấn kinh bắc. Sang thời Nguyễn năm 1822 trấn kinh bắc đổi thành trấn Bắc Ninh. Năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Lúc này xã Bát Tràng thuộc tổng Đông Du, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An. Đến năm 1862 chia về phủ Thuận Thành và năm 1912 chia về phủ Từ Sơn. Sau cách mạng tháng tám 1945, có một thời gian ngắn từ tháng 2 đến tháng 11 năm 1949 huyện Gia Lâm thuộc về tỉnh Hưng Yên. Năm 1949 xã Bát Tràng nhập với xã Giang Cao và xã Kim Lan thành xã Quang Minh. Từ năm 1964 tên xã Bát Tràng được khôi phục gồm Bát Tràng và Giang Cao như hiện nay.
Do gần kinh thành lại nằm bên bờ sông Hồng, Bát Tràng có điều kiện giao thông thuận lợi để phát triển công thương nghiệp, đặc biệt ở vùng này lại có nhiều đất sét trắng, theo người dân Bát Tràng ngày xưa ở đây có 72 gò đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Lúc bấy giờ một số thợ gốm Bồ Bát (xã Bồ Xuyên và trang Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trân Thanh Hóa ngoại, nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã di cư về Bát Tràng để lập lò gốm. Khi mới lên lập nghiệp ở vùng đất này, dân Bồ Bát đặt tên cho quê mới của mình là Bạch Thổ Phường, tức phường đất trắng. Khi công việc sản xuất gốm đã ổn định, người dân ở đây đã đổi tên thành Bát Tràng Phường, ý nói là Phường có trăm lò bát. Cuối cùng họ mới đổi tên thành Bát Tràng (nơi làm bát). Bát Tràng từ một làng gốm bình thường trở thành trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho triều đại nhà Minh.
Như vậy, suốt hơn 1.000 năm nay, làng nghề này vẫn giữ tên là Bát Tràng. Trong lịch sử làng gốm, những loại gốm quý, độc đáo của nước ta, nổi tiếng cả trong và ngoài nước như gốm men ngọc (thời Lý, Trần); Gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần – đầu thời Lê); Gốm men rạn (thời Lê – Trịnh) và Gốm hoa lam (cuối thời Lê – thời Nguyễn) đều đã được sản xuất ở Bát Tràng.
Người dân Bát Tràng đến nay vẫn lưu truyền một huyền thoại về nguồn gốc của nghề gốm như sau:
Vào thời Lý (1010-1225) có ba vị Thái học sinh (học vị như Tiến sĩ) là Hứa Vĩnh Kiều, Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú, được cử đi sứ Bắc Tống (960-1127). Sau khi hoàn thành sứ mạng, trên đường trở về nước qua Thiều Châu (Quảng Đông-Trung Quốc) thì gặp bão phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được một số kỹ thuật đem về truyền bá cho dân chúng quê hương.
Hứa Vĩnh Kiều truyền cho Bát Tràng nước men trắng
Đào Trí Tiến truyền cho Thổ Hà (Việt Yên-Hà Bắc) nước men sắc đỏ
Lưu Phương Tú truyền cho Phù Lãng (Quế Võ-Bắc Ninh) nước men màu vàng thẫm
Câu chuyện trên cũng được lưu truyền ở Thổ Hà và Phù Lãng với ít nhiều sai biệt về tình tiết. Điều đáng lưu ý là theo những tư liệu dân gian này, nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời Lý, ngang với thời Bắc Tống nghĩa là trước năm 1127, khoảng đầu thế kỷ XII. Nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy tư liệu lịch sử nào xác nhận tiểu sử của ba nhân vật trên.
2. Quá trình phát triển của Làng gốm Bát Tràng
Gốm Bát Tràng rất nổi tiếng, địa danh gốm Bát Tràng đã đi vào thơ và ca dao tục ngữ. Bằng vốn di sản kinh nghiệm nghề nghiệp những người thợ đã đưa nghề gốm ở đây lên đỉnh cao, những loại gốm quý và độc đáo nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như: Gốm men ngọc (thời Lý-Trần); gốm men nâu (cuối Trần-đầu Lê); Gốm men rạn (thời Lê-Trịnh) và gốm hoa lam (cuối thời Nguyễn)
Từ cuối thời Trần đến thời Lê và đầu thời Nguyễn, một khối lượng lớn đồ Gốm các loại của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Nhìn chung, đồ gốm Bát Tràng là một trong những mặt hàng được người nước ngoài ưa chuộng.
Nhiều sản phẩm gốm ở Việt Nam đã trở thành những tác phẩm gốm cổ và quý giá.
Thế kỷ 15-16: Nhà Mạc có chính sách công thương nghiẹp rất cởi mở nên các sản phẩm của gốm Bát Tràng được lưu thông rất rộng rãi.
Thế kỉ 16-17: Sau nhưng cuộc phát kiến địa lý cuối thế kỷ 15 các nước Tây Âu phát triển tràn sang các nước phương Đông. Các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan,Anh… thành lập công ty, căn cứ ở phương Đông để buôn bán. Sau khi thành lập, nhà Minh chủ chương cấm tư nhân buôn bán với nước ngoài làm cho việc xuất khẩu gốm sứ nổi tiếng của Trung Quốc bị hạn chế đã tạo điều kiện cho gốm Bát Tràng mở rộng thị trường ở vùng Đông Nam Á. Mối quan hệ của Việt Nam và Nhật Bản rất phát triển, gốm Bát Tràng được nhập rất nhiều vào Nhật.
Thế kỷ 15-17 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nghành sản xuất gốm xuất khẩu ở Việt Nam
Cuối thế kỷ 17-đầu thế kỷ 18: Việc xuất khẩu và buôn bán đồ gốm ở Việt Nam giảm sút nhanh vì sau khi Đài Loan được giải phóng (1684) và triều thanh bãi bỏ chính sách cấm buôn bán với người nước ngoài. Từ đó gốm sứ chất lượng cao của Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á và đồ gốm Việt Nam không đủ sức cạnh tranh. Hơn nữa Nhật Bản đẩy mạnh nền kinh tế trong nước nen rất ít nhập khẩu.
Thế kỷ 18-19: Nhà Trịnh – Nguyễn với chính sách hạn chế ngoại thương nên việc sản xuất đồ gốm giảm sút, khiến 1 số làng nghề gốm truyền thống ở nước ta bị gián đoạn (như gốm Chu Đậu) Gốm Bát Tràng bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được sức sống.
Từ cuối thế kỷ 19: Trong thời kỳ Pháp thuộc các lò gốm Bát Tràng tuy bị 1 số xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh nhưng vẫn duy trì được hoạt động bình thường. Sau chiến tranh Đông Dương (1945-1954) Năm 1957, 10 cá nhân là địa chủ, con địa chủ của thôn Giang Cao góp vốn thành lập công ty Gốm Trường Thịnh sản xuất gốm sứ và đây là nền tảng khởi đầu cho xí nghiệp sứ Bát Tràng. Có 1 số Hợp tác Xã được thành lập như: Hợp Thành, Hợp Lực, Đa Tốn, Hưng Hà. Với những nghệ nhân nổi tiếng như: Đào Văn Can, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Văn Vấn… Sau năm 1986 làng gốm Bát Tràng có nhiều sự chuyển biến hơn.
Sau năm 1986, làng nghề gốm sứ Bát Tràng cũng như nhiều làng nghề gốm sứ khác trong cả nước đã có sự chuyển biến theo hướng kinh tế thị trường. Các hợp tác xã, mô hình chủ yếu của thời kỳ kinh tế bao cấp lần lượt giải thể hoặc chuyển thành các công ty cổ phần. Những công ty lớn được thành lập, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều tổ sản xuất và phổ biến là những đơn vị sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Sản xuất phát triển, việc giao thương hàng hóa cũng từ đấy mà phát triển theo. Xã Bát Tràng nay đã trở thành một trung tâm gốm sứ lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á, có tiếng vang khắp thế giới. Đây là cơ hội lớn không chỉ để lưu thông sản phẩm hàng hóa, mà còn để Bát Tràng mở mang và phát triển thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương.
Trong suốt quá trình nghề gốm của mình, người Bát Tràng luôn ý thức tầm quan trọng sống còn của làng nghề là thích nghi với hoàn cảnh biến đổi của nền kinh tế xã hội theo từng thời kỳ, họ nắm bắt nhanh các thành tựu gốm mới và đặc biệt quan tâm , thích ứng với thị hiếu, thẩm mỹ và yêu cầu của khách hàng.
Đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bí quyết nghề nghiệp đặc biệt là khâu pha chế men được bảo vệ chặt chẽ, bí mật này chỉ được truyền cho con trai và những quy định trong các hương ước của Làng, hay của dòng họ.
Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng phong phú và đa dạng so với trước đây. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới về chủng loại, mẫu mã đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm gốm sứ thủ công mỹ nghệ của Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy,... Làng gốm sứ Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp mọi miền của đất nước về đây để sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...
Ngày nay các lò gốm Bát Tràng chủ yếu tập trung vào các dòng men như: Men lam cổ, men nâu, men trắng ngà, men xanh rêu, men rạn…
* Men lam ( Hay còn gọi Men Rong Cổ )
Men lam xuất hiện khởi đầu ở Bát Tràng với những đồ gốm có sắc xanh chỉ đến đen sẫm. Men lam được đun ở nhiệt độ khoảng 1200-1300oC, được dùng chủ yếu trong các loại bát đĩa, ấm chén, lọ hoa, đồ thờ...
Men lam được xem là loại men được sử dụng sớm nhất ở Bát Tràng từ thế kỉ 14. Men lam là men gốm được cộng thêm với gốc màu là ôxít côban. Những người thợ ở Bát Tràng sử dụng men lam đồng thời với kĩ thuật dùng bút lông làm công cụ vẽ trên đồ gốm. Men lam không để trần như men nâu mà bao giờ cũng được phủ lớp men màu trắng bóng, có độ thuỷ tinh hoá cao sau khi nung.
Các hình vẽ của men lam kém chau chuốt, hay bị chảy nhòe, khó nhận ra các họa tiết, về chạm nổi để mộc rất tỉ mỉ, đạt tới đỉnh cao.
Bình hút tài lộc men lam vẽ Thuận Buồm Xuôi Gió - Mã Đáo Thành Công cao 33cm, vẽ vàng
Tham khảo thêm Gốm Sứ Phong Thủy tại đây
* Men nâu
Trên các đồ gốm từ thế kỉ 14-15, men nâu được dùng để tô lên các đồ trang trí kết hợp với màu men nền trắng ngà. Men nâu có sắc độ đỏ nâu hay còn gọi là màu bã trầu, loại men này không được bóng, trên bề mặt men thường có vết sần.Sắc và màu của men phụ thuộc vào xương gốm , men nâu được dùng xen lẫn với xanh rêu , men ngà tạo ra các sắc độ khác nhau. Men nâu được giữ vị trí các đường chỉ băng, tô lên hoa sen hoặc hình rồng Men nâu được dùng phủ toàn bộ rồi cạo bỏ phần men tạo ra các loại văn hóa rất độc lạ, người ta còn gọi là kỹ thuật khắc chìm, cạo nổi ngày nay. Biết được những hạn chế của men nâu, những người thợ gốm Bát Tràng đã sử dụng men nâu vẽ lên trên lớp men trắng ngà để chuyển men nâu sang màu vàng nâu
Bộ ấm chén dáng vuông men nâu chỉ đỏ vẽ hoa đào, bọc đồng
Thế kỉ 19 là thời điểm đánh dấu men nâu đã chuyển sắc thành một loại men bóng, sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay
Tham khảo thêm Ấm Chén Bát Tràng tại đây
* Men trắng ngà
Về bản chất đây là loại men trắng và có loại lại ngả sang màu vàng ngà, bóng khi nung đạt nhiệt độ cao nhưng cũng nhiều trường hợp lại trắng xám, sữa, đục. Cùng với kiểu dáng, men trắng ngà cũng tạo nên một nét riêng biệt của đồ gốm Bát Tràng. Men trắng ngà được dùng làm nền phủ lên các họa tiết hoa văn vẽ màu lam, men nâu.
Bộ đồ ăn men trắng vẽ sen vàng kim
Tham khảo thêm Bộ Đồ Ăn tại đây
* Men xanh rêu ( Men ngọc )
Vào thế kỉ 14 - 19, men ngọc được sử dụng khá nổi trội vào các dòng gốm Bát Tràng cổ cùng với men trắng và men nâu. Men ngọc, men ngà và nâu tạo ra loại Tam thái riêng của gốm Bát Tràng thế kỉ 16-17.
Men ngọc mang rất nhiều ý nghĩa to lớn vì chỉ có trên các loại gốm Bát Tràng cổ vào thế kỉ 16-17 với nhiều sắc độ khác nhau. Và có thể xem đây là một dữ kiện đoán định niên đại khá chắc chắn cho các đồ gốm Bát Tràng trên nhiều loại hình khác nhau.
Đôi lọ lộc bình đắp nổi công đào men ngọc, bọc đồng
* Men rạn
Men rạn xuất hiện trong các dòng gốm Bát Tràng cổ vào cuối thế kỉ 16 đến đầu thế kỉ 20 và là loại men độc đáo tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Men rạn là một loại men độc đáo tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Sản phẩm được sản xuất theo xu hướng giả cổ, mang đến vẻ đẹp độc đáo .
Bộ đồ thờ men rạn Cát Tường đắp nổi cao cấp
Tham khảo thêm Bộ Đồ Thờ cúng tại đây
3. Khách du lịch được trải nghiệm làm gốm
Hàng năm, có trên 10.000 lượt khách quốc tế và trên 50.000 khách du lịch trong nước đến Bát Tràng. Với tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ là 47%, tổng sản lượng hàng năm ước đạt 200 tỷ đồng, cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Bát Tràng. Đến với làng gốm sứ Bát Tràng, du khách sẽ được trải nghiệm với công việc làm gốm và được tìm hiểu về lịch sử của làng truyền thống. Tuy nhiên, khách đến với Bát Tràng chủ yếu là tham quan, mua hàng tại chợ gốm, các dịch vụ giới thiệu về lịch sử văn hóa, giá trị làng nghề, dịch vụ mới hình thành chưa có tính chuyên nghiệp, chưa kết nối được các điểm tham quan. Điểm yếu của Bát Tràng là các dịch vụ du lịch mới hình thành vẫn mang tính tự phát. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa đồng bộ, đặc biệt là các dự án đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu…
Để phát huy hết được giá trị của làng nghề truyền thống tiêu biểu, đồng thời gắn với du lịch, cần có sự quan tâm quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư, tu bổ. Thực hiện các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh; bảo tồn làng nghề truyền thống phát triển thương mại dịch vụ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gốm sứ… Hiện tại, làng gốm Bát Tràng đang liên kết với các đơn vị du lịch để triển khai nghiên cứu, xây dựng các tour đưa khách đến tham quan, giới thiệu về lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, tham quan mua hàng gốm sứ tại địa phương.
Xem lộ trình xe buýt từ Hà Nội đến Bát Tràng tại đây.