Đôi nét về kỹ thuật sản xuất gốm sứ Bát Tràng
Vẫn là những nguyên liệu thô sơ truyền thống là đất, nước và lửa nhưng nhờ tài hoa của người thợ và tâm hồn dân tộc thấm đẫm trong từng sản phẩm nên những nguyên liệu vô tri vô giác vẫn thể hiện được nét riêng.
Một sản phẩm gốm đẹp làm rung động lòng người luôn là sự kết hợp tinh túy giữa tính sáng tạo nghệ thuật và sự tuân thủ các nguyên tắc kỹ thuật. Sản xuất gốm yêu cầu tính sáng tạo nghệ thuật rất cao và chính với sự sáng tạo đó những người thợ gốm đã thổi hồn mình vào đất để tạo ra các sản phẩm gốm độc đáo, luôn luôn có sức cuốn hút mãnh liệt và mang nặng yếu tố con người.
Để làm ra đồ gốm, người thợ luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Tuy nhiên ở mỗi cái nôi của gốm sứ, những kinh nghiệm phong phú được đúc kết từ quy trình lao động kỹ thuật, để rồi trở thành những phong cách truyền thống riêng, tạo nên dáng vẻ không thể trộn lẫn trong tác phẩm của mỗi làng nghề.
Chọn và xử lý đất: Đất sét dùng để làm gốm phải có độ dẻo cao, hạt mịn, độ co ngót khi khô bé và có khả năng chịu lửa. Đất sét phải được xử lý để loại bỏ các tạp chất bên trong. Trong quá trình xử lý, tùy theo từng loại gốm mà người ta có thể cho thêm một ít chất phụ khác chống rạn nứt hoặc quá dẻo.
Tạo dáng: là khâu đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất. Từ những mảnh đất rắn chắc đã được xử lý, người thợ bắt đầu truyền cho mỗi sản phẩm một hình dáng riêng biệt. Người thợ gốm có thể dùng sử dụng phương pháp vuốt tay trên bàn xoay hoặc tạo hình bằng khuôn in. Sản phẩm sau khi tạo dáng còn ướt mềm cần đem đi phơi khô đều để tránh gốm bị nứt nẻ, thay đổi hình dạng.
Trang trí hoa văn: Để nâng cao tính nghệ thuật cho tác phẩm gốm, người thợ gốm dùng bút lông vẽ màu lên sản phẩm với đủ loại hoa văn. Đôi khi họ cũng dùng hình trang trí khác như đánh chỉ vòng tròn miệng, thân hoặc chân sản phẩm.
Tráng men: Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ qua sản phẩm ở nhiệt độ không cao rồi tráng men hoặc tráng men trực tiếp lên sản phẩm rồi mới cho vào lò nung. Đối với các sản phẩm có kích thước lớn, người thợ hay dùng phương pháp dội men hoặc phun men, các sản phẩm nhỏ thường được nhúng men.
Nung đốt: Các sản phẩm “sống” sẽ được đưa đi nung chín trong các loại lò như lò bầu, lò hộp. Nhiên liệu đun có thể là củi, than và phổ biến hiện nay là đun ga. Tùy vào mỗi loại lò và chất liệu gốm sứ, người thợ sẽ tuân thủ theo một quy tắc nhiệt độ. Gốm đất nung ở nhiệt độ 600 – 900 độ C, sứ sành trắng từ 1200 độ C trở lên.
Nét độc đáo từ hoa văn bình hoa đất đỏ Bát Tràng
Hoa lá là đề tài trang trí chủ yếu trong các tác phẩm bình hoa đất nung. Trong đó họa tiết hoa cúc và hoa sen cách điệu có nhiều mẫu đẹp và độc đáo.
Hoa sen hay liên hoa là loài hoa thường sống ở trong ao hồ, mọc vươn lên từ bùn đất, thường có màu hồng hoặc trắng, có mùi hương thơm mát thanh tao. Hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết cao quý, thường được người chùa lựa chọn làm loài hoa cúng dường và đại diện cho nhà Phật. Hoa sen cũng đi sâu vào tiềm thức của người dân đất Việt, nên không lấy gì làm lạ khi họa tiết hoa sen lại rất phổ biến như vậy. Hoa sen trên gốm được vẽ với nhiều hình dạng và trạng thái khác nhau.
Hoa cúc là loài hoa được nằm trong “tứ quân tử” theo như quan niệm của Trung Hoa. Ở Nhật Bản, hoa cúc chỉ dành cho nhà vua và quý tộc. Ở Việt Nam, hoa cúc là loài hoa được yêu quý, bởi lẽ nó tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, chịu được giá lạnh sương sa, có nhiều màu rực rỡ và rất lâu tàn.
Một số mẫu lọ hoa gốm đất đỏ khác được ưa chuộng