1. Sự ra đời của những chiếc “cúp vàng”
Ngoài việc sản xuất các mặt hàng gốm sứ truyền thống, gia đình nghệ nhân Vương Hồng Nhật (57 tuổi, người gốc làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) còn chuyển sang sản xuất "cúp vàng", một món hàng đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu, mong ước của những người yêu bóng đá vào dịp World Cup.
Mỗi khi gần đến thời gian diễn ra World Cup, gia đình ông Nhật lại miệt mài gọt đẽo từng chiếc cúp để giao cho khách hàng trong và ngoài nước. Khi được hỏi về sự ra đời của những chiếc “cúp vàng” ông Nhật cho hay: "Vì mình đam mê bóng đá, cũng muốn sở hữu vật phẩm cao quý nhất trong làng túc cầu, đó là chiếc cúp vàng nên nghĩ rằng ắt hẳn cũng có nhiều người có mong muốn này. Năm 2010, tôi làm khoảng 30 chiếc cúp mang tặng bạn bè, ai cũng rất vui vẻ”.
Ông Nhật tự tay chăm chút cho từng chiếc “cúp vàng”
Ông Nhật cùng xưởng sản xuất của gia đình đã bắt đầu đúc “cúp vàng” từ năm 2014 (mùa World Cup diễn ra ở Brazil) với hơn 1.000 có giá bán là 80.000đ/chiếc. Sau khoảng thời gian tung sản phẩm đặc biệt này ra thị trường, “cúp vàng” thạch cao của ông Nhật được khách hàng săn đón một cách nhiệt tình.
Không chỉ cung cấp cho nhu cầu trong nước mà đến các nước châu Âu cũng rất chuộng “cúp vàng” của gia đình ông Nhật. “Năm nay tôi dự tính làm khoảng 3.000 cái, hiện đã làm được hơn 1.000 cái rồi. Có hơn 300 trăm cái đã được xuất đi Nga theo đơn đặt hàng từ bên đó, sắp tới cũng có thêm một số lô hàng xuất đi Pháp, Đức và mấy nước châu Âu. Nhiều đơn vị khách sạn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng cũng đặt mua số lượng lớn để tặng khách. Đặc biệt năm nay đơn đặt hàng từ miền Nam rất nhiều, hy vọng xưởng sẽ sản xuất kịp để phục vụ người hâm mộ". Ông Nhật chia sẻ.
Vợ chồng ông Nhật bận rộn với đơn hàng 300 chiếc cúp xuất khẩu đi Nga
2. Quy trình tạo ra “cúp vàng” World Cup
Xưởng sản xuất của ông Nhật hiện có 4 người làm. Để sản xuất số lượng hàng lớn gấp 3 – 4 lần so với ngày thường, ông và vợ (bà Nguyễn Thị Nga) phải thuê thêm 4 nhân công để hỗ trợ. Bà Nga cho biết, xưởng phải làm việc cả ngày lẫn đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Nhật, vì ông chưa từng thấy chiếc cúp thật nên việc làm “cúp vàng” khó khăn hơn so với những sản phẩm khác. Để hoàn thiện sản phẩm, ông phải mất 8 năm liền nghiên cứu tài liệu, tiếp nhận ý kiến đóng góp để tạo ra bản sao gần giống với “cúp vàng” World Cup thật.
Chiếc khuôn để đổ thạch cao đúc cúp được thiết kế cẩn thận
Một trong những khâu quan trọng trong việc sản xuất “cúp vàng” là tạo khuôn. Để đảm bảo giống 90% so với cúp thật, gia đình ông Nhật thiết kế khuôn đúc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Ông Nhật chia sẻ: "Để làm được chiếc khuôn đầu tiên, tôi mất mấy tháng trời. Đến hiện tại thì có thể nói rằng chiếc cúp này giống được khoảng 95% so với chiếc cúp thật, phiên bản đầu tiên chỉ giống chừng 80%, tôi vẫn tìm hiểu và sửa chữa thêm để nó không ngừng hoàn thiện và giống với cúp thật".
Khác với các sản phẩm khác, sản xuất “cúp vàng” đòi hỏi phải có sự cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu và được chia theo tỷ lệ chuẩn nhất định. Mọi quy trình đều tỉ mỉ, không được vội vàng, chỉ cần phát hiện ra một lỗi nhỏ, sản phẩm đó sẽ bị loại ngay.
Những chiếc cúp thạch cao được đúc xong sẽ đem đi phơi 3 lần nắng
"Nguyên liệu thạch cao được trộn với nước với tỷ lệ chuẩn xác, không được nhão cũng không được đặc quá. Sau khi đổ nguyên liệu vào khuôn, phải lắc kỹ thuật để nguyên liệu tráng đều bề mặt khuôn, công đoạn này lặp lại 2 lần mới ra sản phẩm. Khuôn là một bề mặt đa diện, nhiều góc cạnh nên để làm nguyên liệu tráng đều rất khó, một người thợ phải có kinh nghiệm chừng 4 năm mới làm được.
Sau khi đổ khuôn chừng 20 phút thì tháo khuôn, đem ra phơi chừng 3 nắng, nếu không phơi khô thì sản phẩm rất dễ hỏng. Công đoạn tiếp theo là gọt giũa lại sản phẩm, kế đó là phun sơn. Bà Nga tâm sự.
Mỗi sản phẩm đều có hai lớp sơn tạo màu, một lớp vàng và một lớp bóng.
Mặc dù sản phẩm được làm bằng thủ công, đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận cao, nhưng giá thành của mỗi chiếc cúp cho ra thị trường chỉ 80.000 đồng/chiếc (tương đương 3.5 USD). Từ lúc bắt đầu bán đến nay giá bán vẫn không đổi và khá mềm so với chiếc cúp thật trị giá 150.000 USD.
Xưởng ông Nhật bán “cúp vàng” trong cả năm, đặc biệt đến mùa World Cup thì bán rất chạy. Do đó, xưởng sẽ tập trung sản xuất mặt hàng này vào trước 1 tháng diễn ra mùa bóng.
“Dự kiến bán ra 3.000 chiếc cúp, thu về chừng 240 triệu đồng”, bà Nga tâm sự.
Những chiếc “cúp vàng made by Việt Nam” từ xưởng ông Nhật đã trở thành món quà kỷ niệm mới lạ và đầy ý nghĩa đối với fan hâm mộ bóng đá trong và ngoài nước. Tuy chỉ làm từ chất liệu bình dân, nhưng mỗi sản phẩm là niềm tự hào bởi óc sáng tạo và sự cần mẫn của những nghệ nhân yêu nghề sống tại làng Bát Tràng, Hà Nội.