Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (thôn 5, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), hiện đang là điểm đến vô cùng thú vị của nhiều du khách bởi lối kiến trúc độc đáo cùng với những giá trị văn hóa đặc sắc. Còn người Bát Tràng thì luôn ấp ủ dự định đưa nơi đây trở thành một điểm đến thú vị của du lịch làng nghề Việt Nam ở trong tương lai. Sau 5 năm thi công xây dựng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt đã được thiết kế lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay vuốt gốm của những nghệ nhân tại làng cổ Bát Tràng, với tổng mức đầu tư lên đến 150 tỉ đồng đang được hoàn thiện.
Xem nhanh
1. Kiến trúc độc đáo
Từ trục đường chính vào làng Bát Tràng chạy song song theo kênh Bắc Hưng Hải, du khách có thể dễ dàng tìm thấy Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt nằm bên tay phải. Hướng ra sông Hồng, con sông gắn bó với tâm thức, cuộc sống của người dân Bát Tràng từ hàng nghìn đời nay, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt như một “nốt thăng” trên bản nhạc bởi lối kiến trúc phá cách đầy ấn tượng.
Công trình này bắt đầu xây dựng từ năm 2018, được thiết kế bởi kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào; một người có rất nhiều ý tưởng độc đáo.
Nằm trong khuôn viên rộng 3.300m2, công trình gồm 7 khối kiến trúc được xây kiểu xoáy trôn ốc với những đường cong mềm mại như những bình gốm được hình thành dưới bàn tay vuốt nặn tài tình của người thợ trên bàn xoay thủ công. Thấp thoáng đâu đó còn là hình ảnh của những lò bầu cổ vốn gắn bó với nghề gốm Bát Tràng qua nhiều thế kỷ. Kiến trúc công trình với những đường nét lặp đi lặp lại một cách tinh tế và có chủ ý, như nhắc tới sự gắn bó và dòng chảy bất tận của thời gian - sông Hồng - gốm Bát Tràng hàng nghìn năm qua. Những lớp lang văn hóa trong lịch sử làng nghề gốm Bát Tràng đã được kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thể hiện tài tình như thế.
Theo bà Phạm Thùy Dương, Giám đốc điều hành Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt: Công trình được thiết kế với hai chức năng chính là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ ở Bát Tràng, và nơi trưng bày các sản phẩm tinh hoa của Làng gốm Bát Tràng cùng các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác của cả nước. Bên cạnh các gian trưng bày, trung tâm còn có các khu chức năng dành cho các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch như phòng lưu trú, nhà hàng; nơi biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; khu trải nghiệm, kết nối khách du lịch với các nghệ nhân, thợ gốm Bát Tràng thông qua các lớp học chuyên biệt về nghề gốm như vuốt nặn, đổ rót, vẽ...
Hy vọng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch tổng thể của xã Bát Tràng. Đây sẽ là điểm nhấn góp phần gia tăng trải nghiệm, đồng thời giúp du khách hiểu sâu hơn về Bát Tràng - Làng gốm, làng văn và một ngôi làng di sản độc đáo của Thủ đô Hà Nội
2. Khám phá Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt
Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt gồm 5 tầng và 1 tầng hầm (tầng G)
Đến với tầng G, mọi người sẽ có cơ hội tự tay làm gốm, tạo hình và vẽ trên sản phẩm. Mỗi vị khách trải nghiệm sẽ được hướng dẫn cụ thể của giáo viên, nghệ nhân có kinh nghiệm cùng nguyên vật liệu đã được chuẩn bị sẵn. Tiếp đến là đợi hong khô sản phẩm bằng thiết bị chuyên dụng.
Tầng 1: Quảng trường bàn xoay
Quảng trường gồm 7 khối kiến trúc được xây kiểu xoáy trôn ốc với những đường cong mềm mại như những bình gốm được hình thành dưới bàn tay vuốt nặn tài tình của người thợ trên bàn xoay thủ công. Thấp thoáng đâu đó còn là hình ảnh của những lò bầu cổ vốn gắn bó với nghề gốm Bát Tràng qua nhiều thế kỷ.
Tầng 2: Không gian nghề gốm Bát Tràng xưa và nay
Thăm quan, trải nghiệm, check in không gian trà với view 360 độ kết hợp với rất nhiều loài hoa đẹp. Thưởng thức trà ủ mát, thuê đồ cổ phục với thiết kế riêng.
Tầng 5: Điêu khắc ánh sáng
Thăm quan trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật " Điêu khắc ánh sáng ", duy nhất ở Việt Nam đang trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Bùi Văn Tự, anh là người đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và trên thế giới khai sinh ra nghệ thuật này.
Cuối cùng hãy cùng Gốm 10 xem video chi tiết Trung Tâm Tinh Hoa Làng Nghề Việt nhé!
3. Hướng dẫn di chuyển tới Trung tâm tinh hoa làng nghề việt
* Di chuyển bằng oto, xe máy riêng
Nằm bên tả ngạn sông Hồng cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía đông nam. Để tới được Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (thôn 5, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), chúng ta có thể tự di chuyển dễ dàng với phương tiện riêng và sử dụng google maps.
* Di chuyển bằng xe bus
Đi du lịch Bát Tràng tùy theo điều kiện của từng nhóm bạn, từng người mà có thể đi xe máy, xe ô tô, xe khách du lịch theo tour…Nhưng trong các phương tiện đó, thì xe bus đi Bát Tràng vẫn được nhiều người lựa chọn nhất với tính thuận tiện – rẻ – an toàn. Tội gì mà không đi nhỉ?
Muốn đến Bát Tràng bằng xe bus thì đầu tiên các bạn phải đi qua Long Biên đã nhé ! Hiện tại có rất nhiều các tuyến bus từ các quận trong Hà Nội đi đến Long Biên như :
Xe buýt 04 Từ BX Giáp Bát - Gia Lâm
Xe bus 55 : Cầu Giấy - Long Biên
Xe bus 65 : Đông Anh - Long Biên
Xe bus 01 : Bến xe Yên Nghĩa - Long Biên
Tiếp đó các bạn sẽ bắt xe từ Long Biên đến Bát Tràng , Xe bus số 47
Tên tuyến: Bến Xe Long Biên – Bát Tràng Hà Nội
Số tuyến: 47A
Điểm đầu: Bến Xe Long Biên
Điểm cuối: Bát Tràng
Số tuyến mỗi ngày: 3 – 4 chuyến/ngày
Thời gian hoạt động của xe bus 47A
Giờ Xuất bến B.x Long Biên: (Khởi hành: 5h00 – Kết thúc: 19h28)
Giờ Xuất bến Bát Tràng: (Khởi hành: 5h39 – Kết thúc: 20h07)
Tần suất xe chạy: 28 phút/lượt
Khoảng cách: 16,5km
Giá vé: Toàn tuyến: 7.000VNĐ
Đơn vị chủ quản: Xí Nghiệp Xe Buýt Hà Nội – Transerco