1. Lịch sử Đình Bát Tràng
Đình Bát Tràng được xây dựng từ lâu đời. Ban đầu, đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ làm bằng tranh tre dựng ngoài bãi sông. Mặt đình hướng ra sông Hồng. Tới năm Bảo Thái nguyên niên đời Lê Dụ Tông (1720), đình được trùng tu trên nền của ngôi đình cũ. Lần trùng tu cuối vào năm 1992 - 1993, xây cổng đình và làm lại nhà tiền tế. Đình Bát Tràng thờ sáu vị thành hoàng gồm Bạch Mã đại vương, vốn là thần gốc của Hà Nội, Tràng Thuận Nghi Dung, Phan Đại tướng (tên thật là Phan Chính Nghị, đỗ tiến sĩ năm 1511, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Cai Minh Đại vương, Lưu Thiên Tử Đại vương. (thiếu 1 người). Các vị thần trên đều được các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn ban sắc phong.
Trong kháng chiến, đình đã bị bom Mỹ phá hủy. Năm 1993, dân làng đã góp tiền của dựng lại đình theo kiến trúc truyền thống. Tại đình còn giữ được một số đồ tế khí như ngai thờ, bát bửu, chuông đồng, kiệu bát cống, hai biển gỗ tạo vào thời Minh Mạng, cùng nhiều hoành phi, câu đối cỡ lớn, mỗi chữ có thể coi là một tác phẩm thư pháp độc đáo. Đình Bát Tràng còn giữ được 50 đạo sắc phong thần có niên đại thời Lê, thời Tây Sơn, thời Nguyễn.
Là một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh được nhà nước xếp hạng: Di tích lịch sử kiến trúc Nghệ thuật tại một ngôi làng là điểm đến của du khách, Đình làng Bát Tràng là một trong những ngôi đình mang những nét riêng độc đáo, có nhiều bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu danh tiếng và các bài viết tìm hiểu kỹ và sâu khác mà chỉ cần gõ từ khóa “Đình làng Bát Tràng” đã thấy xuất hiện rất nhiều tư liệu.
2. Đình làng Bát Tràng
Đình được làm lại vào năm 1720 đời vua Lê Dụ Tông, xây theo kiểu chữ Nhị, phía trong là hậu cung gồm 3 gian, phía ngoài là tòa đại bái gồm 5 gian 2 chái. Cột đình làm bằng những cây gỗ lim lớn, Các gian bên được lát bục gỗ theo bậc tam cấp làm chỗ ngồi, đình quay ra sông Nhị Hà. Hiện nay đình còn lưu giữ hơn 50 đạo sắc phong cho thành hoàng, đời vua Lê Cảnh Hưng, đời vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh.
Nằm trong quần thể di tích của làng gốm sứ cổ truyền Bát Tràng, thành phố Hà Nội, đình Bát Tràng được xây dựng vào năm 1720. Với kiến trúc bề thế, đình quay về hướng Tây, nhìn ra dòng sông Hồng. Kiến trúc đình theo lối chữ Nhị, phía sau là Hậu cung, nơi thờ 6 vị thánh thần được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng (Gồm: Lưu Thiên Tử Đại Vương, Bạch Mã Đại Vương, Tràng Thuận Nghi Dung, Phan Đại tướng, Cai Minh Đại Vương và Hồ Quốc Thần Đại Vương) Phía trước là tòa Đại bái gồm 5 gian 2 trái với hai tầng bục gỗ và được dựng bởi nhiều cây cột gỗ lim lớn hàng vòng tay người ôm không xuể. Chính giữa tòa Đại bái là hương án thờ Công đồng, bên trên treo hai bức đại tự sơn son thếp vàng lớn: "Thiên địa hợp kì đức" (Đức lớn thuận theo trời và đất), lấy nghĩa theo quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch.
Nội dung của bức Đại tự này cũng chính là tôn chỉ của dân làng bao đời nay: Trong cuộc sống luôn lấy chữ Đức làm đầu, mọi việc tất sẽ hanh thông, thuận lợi. Và bức đại tự "Hiếu nghĩa cấp công" - Đây chính là tấm biển vua Nguyễn ban cho dân Bát Tràng khi nhà Nguyễn xây thành Hà Nội vì nghĩa lớn dân làng Bát Tràng đã cạy gạch ở sân đình dâng nộp cho triều đình. Hai bên hương án là đôi câu đối ghi dấu gốc tích con dân làng Bát: "Bồ di thủ nghệ khai đình vũ - Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần" (Đem nghề từ làng Bồ ra khởi dựng đình miếu - Lòng thành như hương lan cúng tạ thánh thần).
Hai bên trái đình là ban thờ Vách Tả, Vách Hữu. Theo các cụ già trong làng kể lại, hai bên vách đình thờ những người trong làng không có con cái. Đây cũng chính là một nét văn hóa đẹp thể hiện cái đức Hiếu sinh của người dân làng Bát. Bục thấp nhất và sân đình được lát bằng gạch Bát - Thứ gạch đã đi vào thơ ca, huyền thoại của dân tộc, thứ gạch xe duyên xây bể, thứ gạch bền chắc mà không một loại rêu nào bám được và đã được ưa dùng từ cung đình đến làng xã. Bốn mái đình cong vút, lượn sóng, phía trên đắp hình Nghê vừa mềm mại, vừa khoẻ khoắn, uy nghiêm.
Trên cửa chính bước vào tòa Đại bái treo bức Hoành phi với bốn chữ "Bạch Thổ Danh Sơn", gợi nhớ lại cái khung cảnh sơ khai của vùng đất sét trắng - Bạch Thổ Phường (Bát Tràng ngày nay) khi dòng họ Nguyễn Ninh Tràng mới theo vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La để sản xuất loại gạch Vĩnh Ninh Trường phục vụ công cuộc xây dựng kinh thành mới. Cột đồng trụ uy nghiêm như những cây bút lớn viết thẳng lên trời xanh mang khí thế truyền thống khoa bảng của làng. Trên cột đồng trụ gắn đôi câu đối sứ: "Ngũ hành tú khí chung anh kiệt - Vạn trượng văn quang biểu cát tường" (Nơi hội tụ khí thiêng hun đúc nên các bậc anh hùng hào kiệt - Ánh sáng văn hóa tỏa xa vạn dặm biểu thị sự cát tường). Cửa tả, cửa hữu lần lượt gắn hai hàng chữ "Thổ thành kim" (Đất biến thành vàng), "Nê tác bảo" (Bùn làm ra của báu) - Bùn đất qua đôi bàn tay người nghệ nhân làng Bát trở thành những vật phẩm quý giá, đồ cống tế ngoại giao.
Trải qua các Triều đại lịch sử, đình Bát Tràng hiện còn lưu giữ được hơn 50 đạo sắc phong. Năm 1976, đình và Văn chỉ Bát Tràng vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Chính bởi những giá trị về kiến trúc và văn hóa như vậy, năm 2005 Bộ Văn hóa thông tin đã cấp bằng Di tích Văn hóa Kiến trúc Nghệ thuật cho đình Bát Tràng. Sau gần 300 năm tuổi cộng với chiến tranh địch họa, đình bị hư hoại nặng. Từ năm 2005, dân làng Bát Tràng đã cùng nhau đóng góp, đại trùng tu đình. Nay công trình đại trùng tu đã hoàn tất, đình Bát Tràng đã trở lại đúng với dáng dấp xưa.
3. Lễ hội tại Đình làng bát Tràng
Trước đây, Bát Tràng vào đám hội từ ngày 15 đến ngày 22 tháng hai âm lịch. Trước Tết, vào ngày 25 tháng Chạp, làng đem lễ vật đến làng Đuốc (làng kết chạ với Bát Tràng) xin chặt tre làm cây nêu. Ngày 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu. Cây tre làm nêu được dùng để chẻ tăm, vót đũa. Trước khi vào đám độ 10 ngày, làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng để bao sái bài vị thần ở ngôi miếu bên sông. Sau đó dân làng rước bài vị thần ra đình tế lễ. Khi tế, các họ được rước Tổ của mình ra phối hưởng. Họ Nguyễn Ninh Tràng (họ đầu tiên đến làng Bát Tràng) được rước bát hương có lọng che vàng đi ở giữa. Các họ khác rước bát hương có lọng che xanh đi né sang hai bên. Khi tế, chỉ có các vị khoa mục (những người đỗ đạt) mới được vào đình, còn các hào mục (những chức dịch trong làng) đứng ngoài hầu lễ.
Bát Tràng còn lệ giữ nghiêm ngôi thứ. Tại đình trải 4 chiếu cạp điều. Có chiếu dành cho các vị đậu tiến sĩ, có chiếu dành cho võ quan được phong tước công, có chiếu dành cho các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Có năm không đủ người, chiếu nào trống thì làng đặt một cây đèn, chai rượu, đĩa trầu cau vào giữa chiếu để thờ vọng. Hằng năm vào ngày Rằm tháng hai, ngày đầu tiên vào đám, làng biện lễ cúng Thành hoàng gồm một con trâu tơ thật béo, thui vàng rồi đặt lên một chiếc bàn lớn sơn son, kèm theo 6 mâm cỗ và 4 mâm xôi. Tế xong, các quan viên chức sắc, đại diện 20 dòng họ cùng thụ lộc.
Thông qua lễ hội, người dân trong làng cầu mong “Mưa thuận gió hòa” “Quốc thái dân an”,“ Dân sinh an lành hạnh phúc “ Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, “Tăng cường khối đại đoàn kết”…
Hiện nay, hội đình Bát Tràng chỉ còn tổ chức trong hai ngày 15 và 16 tháng Hai âm lịch. Tuy hội đã đơn giản đi rất nhiều nhưng vẫn còn lưu giữ những nghi lễ rước nước, tế lễ cũng như các trò chơi dân gian.
Hội đình Bát Tràng hàng năm thu hút nhiều người dân địa phương lân cận cũng như khách du lịch đến tham dự.