Nằm ở thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi có nghề gốm sứ nổi tiếng, chùa Tiêu Dao được xây dựng từ thời nhà Trần (1226-1400). Chùa đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo và hiện có diện tích khoảng 8.300 m2, theo Tiểu ban Quản lý Di tích thôn Giang Cao
Trước năm 1945, chùa Tiêu Dao là nơi đi lại của nhiều cán bộ hoạt động cách mạng và là nơi cất giấu tài liệu mật. Chính nơi đây, bài hát “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao đã được truyền bá đến toàn dân. Năm 2011, khi thầy Thích Bảo Đức về trụ trì, đã cùng các Phật tử trong làng tiến hành trùng tu với ý tưởng là đưa tinh hoa làng gốm vào kiến trúc tâm linh, tạo nên một bản sắc riêng của ngôi chùa.
Những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã dồn hết tâm sức và tài nghệ để tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo, như chiếc lư hương được làm theo kiểu phục cổ thời Nguyễn, những bức tượng thờ… Ngoài ra, từ đầu đao mái chùa, hoành phi câu đối, ban thờ cho tới các cột trang trí bên ngoài đều được làm bằng gốm sứ.
Tất cả các đầu đao mái chùa được làm bằng gốm sứ, chạm khắc hình rồng, họa tiết hoa hướng dương bên dưới. Trong chùa có nhiều tượng rồng, kỳ lân, cá và những bức tượng lớn tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường của các vị cao nhân, tất cả đều bằng gốm sứ.
Đặc biệt, ở chùa Tiêu Dao, tất cả các pho tượng bên trong nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Thập Bát La Hán và động Sơn Trang cũng được gốm sứ hóa bằng chính bàn tay những nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Có những bức tượng độc nhất vô nhị, đã tạo nên nét văn hóa truyền thống độc đáo tại làng nghề gốm sứ duy nhất ở miền Bắc.
Qua cổng chùa, bước vào sân chính, hai bên là hai gian thờ Thập Bát La Hán. Mỗi gian có 9 bức tượng được đặt trên nền bức tranh mây núi trải dài khắp 3 mặt phòng rộng khoảng 60 m2. Tượng, tranh tường, đường viền ban thờ (ảnh) đều được chế tác và ghép từ gốm sứ
Từ giữa sân chùa nhìn lên là lối đi vào gian chính điện tòa tam bảo. Bức tranh Om Mani (một câu thần chú) được ghép từ những mảnh gốm sứ nhiều màu sắc là tác phẩm độc bản của chùa Tiêu Dao. Bức tranh có kích thước khoảng 2×2 m, đặt trên bậc thềm cũng được ốp bằng những mảnh gốm sứ xanh lục.
Gian chính tòa Tam Bảo có hai pho tượng hộ pháp được đúc liền khối bằng gốm, mỗi bức cao 2,5 m, mất hơn một năm để hoàn thiện. Đây cũng là sản phẩm độc bản, tạo nên nét độc đáo cho ngôi chùa và thể hiện tinh hoa của những nghệ nhân làng nghề.
Hai bức tượng hộ pháp lần đầu ra lò bị xệ, gãy, nứt một vài chi tiết do sự biến đổi trong lò nung hơn 1.000 độ C nên phải làm lại, tốn khá nhiều thời gian, công sức và kinh phí, chị Trương Thủy Thành (pháp danh Hạnh Liên), phụ trách hoạt động tu tập tại chùa, nói.
Phía sau gian chính điện tòa Tam Bảo là Nhà thờ Tổ với bốn bức tượng rồng thời Lê đặt trên bậc thềm trước cửa. Chất liệu để trang trí Nhà thờ Tổ chủ yếu là sứ với tông màu chủ đạo cánh gián.
Không gian sân chùa cũng được chăm chút tỉ mẩn. Từng tiểu cảnh được thiết kế, trình bày gắn liền với Phật giáo và nghề làm gốm truyền thống, đặc biệt là cảnh sinh hoạt của các cao nhân đắc đạo. Với những chi tiết độc đáo như thế, chùa Tiêu Dao được xem là “bảo tàng của làng nghề”, nơi người dân và du khách có thể cảm nhận nét đẹp thanh tịnh của nghề truyền thống.
Sư thầy Thích Bảo Đức là người đóng góp nhiều công sức trong việc từng bước đưa ngôi chùa thành "bảo tàng của làng nghề". Dựa trên ý tưởng của sư thầy, người dân đóng góp kinh nghiệm, kỹ thuật và kinh phí để thiết kế và hoàn thiện từng công trình. Đến nay, chùa có gần 80 pho tượng gốm sứ, ngoài ra còn có các bức tranh tường, họa tiết trang trí, tiểu cảnh tái hiện lại cảnh sinh hoạt của các cao nhân đắc đạo.
"Tiêu Dao có nghĩa là tự tại. Phật tử, du khách khi đến chùa có thể cảm nhận được sự thanh tịnh, tự do tự tại, không vướng muộn phiền"