Trong truyền thuyết, đồ gốm cũng xuất hiện như một điều bí ẩn, linh thiêng:
“Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó mới biến thành gốm, sứ…”
Trích sách “Nghề cổ Đất Việt”, NXB Văn Hóa Thông Tin 2007
Đã nhiều năm nay làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng đã trở thành một địa chỉ thân quen của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với mảnh đất Thăng Long để tìm hiểu những vẻ đẹp tiềm ẩn của quê hương Việt Nam và Thủ Đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.Gốm Bát Tràng luôn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, trong sáng, thắm tươi hồn dân tộc qua sự vô cùng phong phú về chủng loại, hoa văn nhưng rất độc đáo và ngày càng đa dạng hơn, bắt mắt hơn. Nhiều sản phẩm mang những nét đẹp riêng, sự đặc sắc không giống bất cứ nơi nào và vẻ đẹp của chúng ngày càng tinh xảo, mặn mà hơn. Nếu có điều kiện, bạn hãy đến với làng nghề truyền thống ven sông Hồng để hiểu hơn về gốm Bát Tràng.
1. Lịch sử làng gốm Bát Tràng
Nói đến lịch sử của làng nghề Bát Tràng phải kể tới câu chuyện đi sứ thời Lý – Trần của ba người đỗ Thái học sinh bao gồm: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát Thanh Hóa; Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà Hà Bắc; Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt Hải Dương. Cả ba ông khi đi sứ nhà Tống đã học được những nét tinh hoa của nghề gốm sứ mang về.
Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Sau đó ông Kiều về Bồ Bát, ông Tiến về Thổ Hà, ông Tú về Phù Lãng, mỗi người mang theo một nét riêng về nghề gốm mà mình học được. Làng Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng. Làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ. Làng Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.
Bộ đồ ăn men kem vẽ hoa đào đỏ vẽ tay thủ công Bát Tràng
Ngoài việc truyền nghề cho dân làng, nửa năm sau, ba ông còn nghiên cứu chế tạo những tinh phẩm để dâng Vua. Nhà Vua xem thấy sản vật đẹp, liền khen thưởng các quan sứ thần bốn chữ “Trung ái quán thế” và phong cho ba ông danh “Khởi nghệ tiên triết”. Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ sầm uất và linh đình. Sau khi ba ông mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư”, tức “Tổ nghề”.
Phường gốm Bồ Bát sau này rời ra ngoài Bắc. Dọc theo con sông Hồng, tới một bãi sông có đất thó trắng, họ dừng lại lập lò gốm ở đó, với tên gọi Bạch Phường thổ, sau này đổi là Bát Tràng phường. Và ngày nay, ta quen gọi là Bát Tràng.
2. Các kỹ thuật chế tác gốm
Chế tác gốm có 5 bước cơ bản là:
+ Chọn và xử lý đất
+ Tạo dáng cho sản phẩm
+ Trang trí hoa văn
+ Tráng men
+ Cuối cùng là nung
Chọn và xử lý đất :
Đất sét dùng để làm gốm phải có độ dẻo cao, hạt mịn, độ co ngót khi khô bé và có khả năng chịu lửa theo yêu cầu của mỗi loại sản phẩm gốm.
Tạo dáng :
Là khâu đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất. Từ những mảng đất đã được xử lý, người thợ bắt đầu truyền cho mỗi sản phẩm một hình dáng riêng biệt .
Trang trí hoa văn :
Gốm Bát Tràng như đựợc thổi hồn vào trong từng sản phẩm qua bàn tay khéo léo sáng tạo của các nghệ nhân. Người thợ gốm dùng bút lông vẽ màu lên sản phẩm với đủ loại hoa văn. Đôi khi họ cũng dùng các hình thức trang trí khác như đánh chỉ hay bôi men chảy lên miệng sản phẩm để khi nung men chảy tỏa xuống tạo nên những đường nét màu sắc tự nhiên hài hòa. Biết bao hoa văn đặc sắc mang đậm bản sắc tâm hồn người Việt nam đã được các nghệ nhân chau chuốt thể hiện qua các họa tiết và hình vẽ.
Tráng men:
Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ không cao rồi sau đó mới đem tráng men hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên rồi mới nung. Đối với các sản phẩm lớn người ta hay dùng phương pháp dội men hay phun men, còn các sản phẩm bé thì dùng phương pháp nhúng men.
HIện nay gốm sứ Bát Tràng có rất nhiều các dòng men khác nhau : Men Rạn , Men Lam, Men Hỏa Biến....
Nung sản phẩm :
Các sản phẩm mộc thường được nung trong các loại lò ếch, lò đàn, lò bầu và gần đây là lò hộp. Nhiên liệu đun là củi, than cám hoặc ga. Tuỳ theo mỗi loại lò và mỗi dạng gốm cụ thể mà thời gian nung và nhiệt độ nung cũng khác nhau.
Năm bước chế tác sản phẩm này quyết định sự thành công của sản phẩm ra lò có được như ý muốn và có đảm bảo yêu cầu hay không. Có thể nói đây cũng là những kỹ năng và những kinh nghiệm được vận dụng sáng tạo vào sản phẩm, đòi hỏi quá trình kiên trì, bền bỉ và lao động nghiêm túc. Mỗi một sản phẩm ra đời cũng mang theo tâm huyết và dấu ấn của người thợ, nó cũng phần nào nói lên tính cách của người làm nghề.
Hầu hết sản phẩm của làng gốm Bát Tràng làm bằng thủ công; thể hiện tài năng sáng tạo và kinh nghiệm của những nghệ nhân, thợ gốm được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ. Đấy chính là nét đặc sắc và cũng là thế mạnh của làng nghề truyền thống Bát Tràng. Do tính chất của nguyên liệu làm gốm và việc tạo dáng đều làm trên bàn xoay cùng với việc sử dụng các loại men khai thác từ truyền thống, nên đồ gốm Bát Tràng cũng có bản sắc riêng.
Gốm Bát Tràng tinh xảo trên từng nét vẽ. Lớp men phủ bởi bàn tay tài hoa của người thợ, nên cốt dầy, chắc. Lớp men trắng thường ngả màu ngà đục. Cũng chính vì làm thủ công, nên gốm Bát Tràng rất phong phú về chủng loại từ đồ gia dụng đến đồ thờ cúng, trang trí. Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật.
3. Nét văn hóa đặc trưng của gốm Bát Tràng
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, giữa cuộc sống đương đại nhiều sôi động, làng gốm sứ Bát Tràng vẫn giữ nguyên được nét đẹp, nét tinh hoa vốn có. Những sản phẩm ấy được sinh ra và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam, được thổi vào đó tâm hồn của dân tộc Việt. Chúng là một nét đẹp về truyền thống văn hóa, là tinh hoa của dân tộc đã lưu truyền từ đời ông cha gửi gắm đến ngày nay.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng gắn liền với đời sống của người dân làng quê trên cả nước. Các sản phẩm rất thân thuộc với đời sống như bát đĩa , ấm chén, bình hoa, lọ lộc bình, v.v. Gốm sứ không chỉ được dùng làm đồ vật sinh hoạt mà còn dùng làm vật trang trí hết sức đẹp mắt, tạo nên nét thân quen của văn hóa Việt.
Tranh gốm sứ Bát Tràng
Gốm Bát Tràng còn là tập hợp những bức tranh dân gian thể hiện được đầy đủ và sống động những phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của người dân xưa và nay: các bức tranh cảnh làng quê; cảnh chú bé thổi sáo chăn trâu; cây đa, bến nước, sân đình… Qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, những cảnh đồng quê, sơn thủy hữu tình, đều được thể hiện lên từng sản phẩm.
Mỗi sản phẩm đều hàm chứa sự yêu nghề, lòng say mê miệt mài tìm hiểu, chắt lọc tinh hoa, tạo nên bản sắc gốm mang hồn dân tộc.