Một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất gốm sứ chính là nung gốm.
Khi công việc chuẩn bị hoàn tất thì đốt lò trở thành khâu quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Vì thế giờ phút nhóm lò trở nên thiêng liêng trọng đại với người thợ gốm. Người thợ cả cao tuổi nhất thắp ba nén hương và thành kính cầu mong trời đất và thần lửa phù giúp.
Việc làm chủ ngọn lửa theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín thì lại hạ nhiệt độ từ từ chính là bí quyết thành công của khâu đốt lò.
Từ xưa đến nay người thợ gốm Bát Tràng đã từng xử dụng những loại lò nung nào, hãy cùng Gốm 10 tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
1. Lò Sấp
Đây là kiểu lò gốm cổ nhất được sử dụng một cách phổ biến ở khắp mọi nơi, hiện nay mất hết dấu tích nhưng qua các nguồn tư liệu gián tiếp vẫn có thể hình dung được lò có hình dáng giống như một con cóc dài khoảng 7m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 3-4m, cửa lò rộng khoảng 1,2m, cao 1m. Đáy lò phẳng nằm ngang, vòm lò cao khoảng từ 2m đến 2,7m. Lò có 3 ống khói thẳng đứng cao 3-3,5m. Trong quá trình lâu dài sử dụng lò sấp, người thợ gốm thấy nhược điểm của lớp đất gia cố và thay vào đó bằng lớp gạch mộc và vữa ghép bằng loại đất làm gạch. Phát hiện ngẫu nhiên này đã tạo ra những viên gạch Bát Tràng nổi tiếng.
2. Lò Đàn
Thịnh hành ở thế kỉ 18. Lò đàn có bầu lò dài 9m, rộng 2,5m, cao 2,6m được chia thành 10 bích bằng nhau. Vị trí phân cách giữa các bích là hai nống (cột). Cửa lò rộng 0,9m, cao 1m. Để giữ nhiệt, bích lò kéo dài và ôm lấy buồng thu khói. Lớp vách trong ghép gạch Bát Tràng, lớp vách ngoài xây bằng gạch dân dụng. Mặt dưới bằng phẳng, mặt trên hơi khum. Nhiệt độ lò đàn có thể đạt được 1250–1300 °C.
Có các cửa nhỏ hình tròn ở 2 bên, gọi là các lỗ giòi để cho nhiên liệu vào trong.
3. Lò Bầu
Xuất hiện ở đầu thế kỉ 20. Lò bầu chia ra làm nhiều ngăn, thường có từ 5 đến 7 bầu, cũng có khi đến 10 bầu.
Bầu lò có vòm cuốn liên tiếp nối với nhau, các vòm cuốn này được xây bằng gạch chịu lửa, toàn bộ độ dài của lò khoảng 15m. Độ nghiêng của trục lò khoảng 12-15⁰. Nhiệt độ của lò bầu có thể đạt tới 1300 °C.
Trước đây tại làng nghề Bát Tràng có khoảng 20 chiếc Lò Bầu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, tại làng nghề Bát Tràng đã xuất hiện nhiều kiểu lò nung khác nhau như: lò hộp, lò ga, lò điện,.. Chính vì thế, hiện nay tại đây chỉ còn duy nhất một chiếc tại điểm tham quan du lịch “Lò Bầu cổ” có tên là Lò sông Hồng B.
Lò có diện tích 1030m², dài 15m. Sau khi xếp hàng vào lò, các thợ gốm đóng cửa lò lại rồi tiến hành đun trong khoảng 24 tiếng. Để lò nguội mới có thể lấy được sản phẩm ra khỏi lò. Lò có 5 bầu với vòm cuốn liên tiếp tựa như vỏ sò úp nối vào nhau.
4. Lò Hộp
Chiếc lò gốm gần nhất với chúng ta hiện nay là là Hộp, hay còn gọi là lò đứng, thịnh hành vào cuối thế kỉ 20. Lò thường cao 5m,rộng 0,9m, bên trong xây bằng gạch chịu lửa. Lò mở hai cửa, kết cấu đơn giản, chiếm ít diện tích.
5. Lò Gas
Ngày nay, các loại lò nung củi gần như không còn, các làng nghề hầu hết đều chuyển sang lò gas nhỏ gọn hơn, thiết kế giữ nhiệt và phân nhiệt tốt hơn, giảm tác hại của khí lạnh lọt vào, nâng cao hiệu quả hơn.
"Lò gas là bước tiến của ngành gốm sứ, giúp đổi mới lò nung của Bát Tràng. Các cụ có câu "Ở trần gian, làm âm phủ" bởi khi đốt lò than thì không chỉnh được nhiệt độ nên người nung chẳng biết sản phẩm làm ra sẽ thế nào. Hơn nữa, trước đây, không chỉ mặt mũi luôn nhem nhuốc, hốc hác mà tôi chắc chắn cũng chẳng có thời gian ngồi nói chuyện bởi mỗi mẻ gốm phải mất 2-3 ngày xếp lò"
Ưu điểm của lò nung khí gas kiểu mới ít gây ô nhiễm, không tạo ra tro và khói, gây ra ít bụi và chất thải. Lò mới cũng giúp giảm đáng kể lượng sản phẩm bị hỏng trong quá trình nung. Tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn là 95%, cao hơn 30 - 50% so với lò bầu và lò hộp cũ đốt bằng than. Hiệu suất này có được nhờ lò gas có khả năng duy trì nhiệt độ cao hơn và ổn định hơn so với lò cũ.
Thông thường những lò gas hiện tại của Bát Tràng có dung tích khoảng 4-5m³, tuy nhiên do tích chất của mỗi đơn vị khác nhau nên có thể có những lò nhỏ 1-2m³ hoặc những lò to để đốt chậu sứ, lọ lộc bình hoặc những sản phẩm có kích thước lớn thì lên đến 7-8m³
Chi phí xây một lò nung bằng gas cao gấp hơn 8 lần so với lò nung than. Mặc dù đầu tư ban đầu cao song về lâu dài, sử dụng lò gas lại tiết kiệm hơn lò than rất nhiều, bởi các chi phí chuẩn bị lò, chi phí lao động đều thấp hơn rất nhiều mà lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn lại cao. Ước tính chi phí sản xuất một chiếc bình khi dùng lò nung gas rẻ hơn 20%, sản xuất một bộ đồ ăn sẽ rẻ hơn 60% so với dùng lò nung bằng than, ông Lê Đức Trọng cho biết thêm.
Trong những năm gần đây, Bát Tràng xuất hiện thêm những kiểu lò hiện đại là lò con thoi, hoặc lò tuy len, với nhiên liệu là khí đốt hoặc điện. Trong quá trình đốt, nhiệt độ được theo dõi qua hỏa kế, việc điều chỉnh nhiệt độ mà thực chất là quá trình tăng giảm nhiên liệu được thực hiện bán tự động hoặc tự động, công việc đốt lò trở nên đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là những lò truyền thống của Bát Tràng.
Có thể nói, lò gốm ở Bát Tràng vận dụng nguyên lý “Hỏa thăng thượng” (lửa bốc lên) và “Hỏa sinh phong” (có lửa ắt sinh thành gió) để lửa được cháy đều và thông khói; song có một số điểm khác biệt:
- Lò nung tuy có thể tích và diện tích lớn nhưng không chia ra thành nhiều ngăn nhỏ, nên nhiệt lửa lan tỏa đều, làm cho men chảy, sản phẩm chín đều.
- Lò nung được cấu tạo để khi đun không phải cào bớt tro hay các phần xỉ ở than ra; mà cứ tra củi liên tục, lửa luôn cháy đều, tro bốc ra theo khói, không còn đọng lại trong lò.
- Lò ở Bát Tràng không xây theo kiểu cuốn tò vò. Xung quanh 4 mặt xây 2 lớp vách lò, cao độ 3 - 4m, lớp vách trong xây bằng đất thó, vách ngoài xây gạch với vôi hồ như một bức tường thường. Hai vách (ở hai mặt bên và mặt hậu) cách nhau 2m, bên trong đổ đầy đất. Riêng khoảng vách ở mặt tiền có khoảng cách ở hai bên rộng, rồi hẹp dần, đến khoảng giữa của mặt tiền thì hai lần vách này sát liền vào nhau, tạo khoảng trống khoảng vài mét, đây là cửa để người thợ vào và đồng thời cho củi vào lò.
Khi đất đổ đầy và ngang bằng ngọn tường của hai vách lò, lấy đầm đầm kỹ cho chặt và phẳng mặt rồi lát gạch thoai thoải để khi trời mưa nước không bao giờ chảy vào trong cật lò, xuống cửa lò. Phần có lát gạch chạy xung quanh này gọi là “Vét lò”.
- Phía trên nóc gọi là cật lò, có dáng hình mui luyện, được đổ bằng thứ đất làm gạch, dày 35cm, rộng 12m, dài 40m.
Bậc lên lò khá cao, thường từ trên dưới 30 bậc, mỗi bậc rộng độ 35cm, dài gần 2m, cao bằng 2 thân gạch (tức chiều dày của hai viên gạch, khoảng 15cm) xây sát vào vách lò theo chiều từ hướng mặt tiền lò đi lên vét lò. Bậc xây này giúp cho việc đi đứng lên xuống rất thoải mái, người gồng gánh nặng từ dưới đi lên không bị chồn chân và mỏi gối.
Một lò gốm ở Bát Tràng có diện tích tối thiểu trên 1000m² (gồm lò 500m², cùng nơi xếp các đồ phơ, sản phẩm, củi đun, đá hộc, gạch chồng lò…). Nền lò thường cao, để khi trời mưa to, nước không tràn vào lò, vào mùa mưa, nước không ngập.
Với kiểu cấu tạo trên, lò gốm ở Bát Tràng đạt hiệu quả cao khi nung sản phẩm; dù lò đang ở nhiệt độ cao, người đi bên ngoài vẫn không cảm thấy nóng.
Dù hiện nay, những loại hình lò này đã không còn được người làng Bát Tràng sử dụng để nung gốm nhưng chúng đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh lịch sử của mình nhờ những ưu điểm vượt trội trên. Từ những lò nung truyền thống này, gốm Bát Tràng đã có mặt ở rất nhiều nơi trong nước và nước ngoài, đưa tên tuổi của làng nghề sản xuất gốm Bát Tràng xứng danh là làng nghề truyền thống của Thủ đô và cả nước.