1. Khái quát về làng gốm cổ truyền Bát Tràng
Làng Bát Tràng ở xã Bát Tràng, Gia Lâm, thành phố Hà Nội được nhiều người biết đến là làng gốm cổ bậc nhất tại Việt Nam với những sản phẩm gốm sứ tinh xảo, độc đáo.
Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng hầu hết được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước theo kinh nghiệm nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả màu ngà, đục.
Bát Tràng cũng là làng gốm có các dòng men riêng từ loại men ngọc cùng với nâu và trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu. Dựa vào ý nghĩa sử dụng, có thể phân chia loại hình của đồ gốm Bát Tràng như sau: gốm sứ gia dụng, gốm sứ tâm linh và gốm sứ trang trí. Các dòng men nổi tiếng và đặc trưng của làng gốm Bát Tràng bao gồm: men lam, men màu, men trắng, men ngọc và men rạn.
2. Lò bầu cổ duy nhất còn lại tại Bát Tràng - địa điểm đáng đến tham quan một lần
Tương truyền khi xây kinh đô Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã đưa theo 12 người thợ gốm lành nghề nhất đến đặt nền móng cho làng cổ Bát Tràng. Đến nay, ở sâu trong làng vẫn còn một gia đình lưu giữ được lò gốm bầu cổ duy nhất có tuổi đời trên 100 năm.
Theo các nghệ nhân trong làng, lò bầu ra đời vào cuối thế kỷ 19, là lò gốm dùng củi để đốt, có 5 bầu. Bầu lò có vò cuốn liên tiếp như những mảnh vỏ sò úp nổi tiếp nhau. Làng Bát Tràng đã từng có hơn 20 cái lò như thế này, nhưng đến nay chỉ còn duy nhất một chiếc là lò sông Hồng B có tổng diện tích 1030 mét vuông.
Lò bầu cổ nhất, lớn nhất, duy nhất trong lòng làng gốm cổ truyền Bát Tràng
Lò gốm được làm từ gạch Bát Tràng cổ. Nhiệt độ nung của lò bầu khoảng từ 1200 - 1300 độ C, vách lò bầu được xây bằng đất, qua thời gian được lửa nung trở thành một lớp chai nhẵn bóng, dù lò đã bỏ đốt 30 năm, vẫn không một thứ rêu phong nào có thể phủ lên được.
Lò có diện tích 1030 m2, dài 15m
Xưa kia làng gốm Bát Tràng dùng lò và nung gốm bằng củi, nhưng hiện nay những lò cổ truyền đã không còn được sử dụng vì người dân làng đã chuyển sang dùng lò gas. Do đó, lò cổ này đã trở thành bảo tàng gốm để phục vụ du khách, để du khách có thể hiểu hơn về cách làm gốm cổ xưa của người Việt.
Lò nung gốm này xưa kia sử dụng củi để đun đốt.
Trong khuôn viên lò gốm Bầu cổ hiện nay còn có rất nhiều tranh ảnh về quy trình làm gốm và những sản phẩm truyền thống được trưng bày, du khách có thể đắm mình trong không gian sáng tạo nghệ thuật.
Chủ lò Bầu - bà Ngân Hà cho biết, lần cuối lò được đốt lên là năm 1990. Sau đó, dù không nung gốm bằng lò bầu nữa, nhưng bà vẫn giữ để xếp hàng mỗi khi lũ sông Hồng lên. Đến nay bà thấy may mắn là mình quyết định giữ lại chiếc lò này, dù tốn đến hơn 1000m2 mặt bằng, vì để giữ lại và bảo tồn di tích nghề làng gốm.
Sản phẩm gốm sứ được trưng bày phía trong lò
Lò bầu cổ Bát Tràng bây giờ là điểm du lịch, ngoại khoá hấp dẫn, thu hút các học sinh, sinh viên đến để tìm hiểu về lịch sử nghề thủ công của ông cha. Bên ngoài lò là khu vuệc dành cho du khách trải nghiệm làm gốm thủ công. Đặc biệt là các em nhỏ rất thích tự nặn các sản phẩm gốm. Không chỉ có du khách Việt Nam, nhiều du khách nước ngoài cũng rất thích thú với trải nghiệm này.
Địa điểm hấp dẫn du khách tham quan tại Hà Nội - lò bầu cổ Bát Tràng
“Tôi thấy khá ấn tượng khi được chứng kiến cách những người thợ tạo ra sản phẩm bằng tay một cách rất khéo léo, tinh xảo. Tôi nghĩ nơi này cần được quảng bá tốt hơn, vì có rất nhiều người có thể chưa biết đến.” – Một du khách người Mỹ chia sẻ.
Phía ngoài là khu vực dành cho du khách trải nghiệm làm gốm thủ công.
Du khách nước ngoài rất thích thú với trải nghiệm vuốt gốm
Cùng với sự biến mất của lò bầu, những bờ tường đầy than đen của Bát Tràng cũng thưa vắng. Làng nghề đã hiện đại hơn, bớt ô nhiễm hơn và cả giàu có hơn nhờ có lò ga, lò điện… nhưng chiếc lò bầu với lịch sử hàng trăm năm đỏ lửa vẫn còn đó như minh chứng cho sự lao động cần cù, khéo léo và sự tinh tế của ông cha ta một thời.