1. Đặc sắc chợ gốm làng cổ Bát Tràng
Ngoài các điểm tham quan nội thành thì chợ gốm làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) là điểm tham quan du lịch thu hút du khách nhất tại vùng đất thủ đô nghìn năm văn hiến.
Khách hàng ghé thăm và lựa chọn sản phẩm tại chợ gốm Bát Tràng
Người ta ví chợ gốm làng cổ Bát Tràng như một "Đại bản doanh của đồ gốm", với rất nhiều mặt hàng gốm sứ được làm từ các nghệ nhân làng cổ Bát Tràng. Sản phẩm ở đây có khá nhiều chủng loại, từ các vật dụng hàng ngày như bát đĩa, bộ ấm chén đến các sản phẩm trưng bày và sản phẩm nghệ thuật tâm linh đều được chế tác rất công phu, cầu kỳ.
Mặc dù ở các khu chợ, các cửa hàng, siêu thị hay các kênh online đều dễ dàng bắt gặp và tìm thấy các mặt hàng gốm sứ, nhưng khách hàng và người tham quan đến chợ gốm làng cổ Bát Tràng vẫn rất đông, đặc biệt là dịp Tết. Tại đây, khách hàng sẽ tận mắt ngắm nghía và lựa chọn từng sản phẩm. Bên cạnh chất lượng thì với mức giá phải chăng, giúp khách hàng dễ tìm được sản phẩm ưng ý.
2. Chợ gốm làng cổ Bát Tràng thu hút khách vào dịp Tết
Tết đến xuân về là dịp người người tất bật cho việc sắm sửa, trang trí nhà cửa để đón một năm mới bình an. Có lẽ vậy mà chợ gốm làng cổ Bát Tràng trở thành nơi đáng quan tâm đối với khách hàng trong nước nói chung, người Hà thành nói riêng.
Chén đĩa ăn cơm gốm Bát Tràng được bày bán tại một gian hàng
Theo các chủ hàng tại chợ gốm làng cổ Bát Tràng, dịp Tết lượng khách tăng đáng kể nhưng giá sản phẩm chỉ nhích hơn ngày thường một ít. Ngoài đón khách hàng nội thành, chợ còn đón đông đảo khách du lịch ghé thăm và khám phá sản phẩm gốm sứ tại đây. “Từ giữa tháng 12 âm lịch trở đi, khách lui tới chợ gốm mua đồ sẽ đông hơn rất nhiều. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần còn chen chúc nhau mà đi”. Cô Huyền (chủ cửa hàng gốm sứ mỹ nghệ) cho hay. Để đáp ứng nhu cầu tham quan mua sắm dịp giáp Tết, các chủ xưởng cho nhập hàng liên tục. Du khách ghé thăm dễ dàng nhận thấy sự tấp nập đông vui của khu vực chợ với những chiếc xe tải chở hàng hóa ra ra vào vào mỗi giờ.
Lọ hoa được bày bán tại chợ Gốm Bát Tràng
Không khí mua sắm rộn ràng đón Tết tại khu chợ gốm làng cổ Bát Tràng cũng làm các chủ gian hàng vui lây khi họ "được bận rộn" bán hàng thay vì ngồi ngóng khách như ngày thường. Chị Hà (một chủ gian hàng) không ngại chia sẻ với khách hàng quen rằng: “Bọn chị cứ thích cả năm đủ 12 tháng khách đông như thế này mới sướng, chứ như 6,7 tháng khác trong năm, buôn bán ế ẩm đến mức con ruồi bay qua chẳng muốn đuổi…”.
Tùy theo nhu cầu mà khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp cho gia đình. Đến chợ gốm làng cổ Bát Tràng du khách sẽ lạc giữa mê cung của hàng ngàn mặt hàng khác nhau: đồ gia dụng, đồ trang trí, đồ thờ cúng, đồ thủ công mỹ nghệ,... Giá cả của các mặt hàng tại chợ gốm làng cổ Bát Tràng khá đa dạng. Trung bình giá bán một bộ ấm chén dao động từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; bát ăn cơm có giá từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng/ 10 chiếc; lọ cắm hoa thì có nhiều mức giá khác nhau, tùy theo chất lượng cũng như hoa văn trang trí đơn giản hay phức tạp, giá lọ bình thường tầm vài chục nghìn đồng đến vài trăm nhưng có những lọ hoa trang trí có giá lên đến hàng triệu đồng trên một sản phẩm.
Khách hàng tấp nập đi chợ gốm Bát Tràng
Khách hàng ghé thăm chợ gốm làng cổ Bát Tràng dịp Tết chủ yếu quan tâm đến các sản phẩm trang trí nhà cửa như: Lọ hoa, khay đựng bánh mứt, hoa quả, tranh gốm, tranh tứ quý... bên cạnh đó, việc sắm thêm bộ chén đĩa cho bữa cơm ngày Tết, ấm tích, bộ chén tách pha trà cho các vị khách dịp đầu xuân cũng được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm.
Khách du lịch đến thăm khu chợ dịp Tết lại được dịp sắm thêm những món quà độc đáo làm từ gốm sứ cho người thân và bạn bè. Có thể là dăm ba chiếc móc khóa xinh xinh, hay bộ tách gốm cho các cụ lớn tuổi trong gia đình uống trà, hoặc bộ lộc bình, bức tranh gốm đắp nổi sang trọng cho đối tác, bạn hàng quý,...
Chợ gốm Bát Tràng có gì mà thu hút đến thế?
Tuy chợ gốm làng cổ Bát Tràng có mang chút màu hoài cổ, chút bình dân của không khí "chợ", nhưng đây là nơi trưng bày những sản phẩm gốm sứ có giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc. Dẫu thời gian phủ lên những sắc màu mới mẻ, hiện đại nhưng đâu đó ở những ngôi làng cổ những người thợ vẫn miệt mài, hăng say tạo nên những sản phẩm gốm sứ độc đáo, tinh tế rất đáng được trân trọng.