1. Gốm sứ Bát Tràng
Đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bí quyết nghề nghiệp đặc biệt là khâu pha chế men được bảo vệ chặt chẽ, bí mật này chỉ được truyền cho con trai và những quy định trong các hương ước của Làng, hay của dòng họ.
Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng phong phú và đa dạng so với trước đây. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới về chủng loại, mẫu mã đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm gốm sứ thủ công mỹ nghệ của Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy,... Làng gốm sứ Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp mọi miền của đất nước về đây để sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc...
Ngày xưa người ta tạo ra chén, đĩa, bình hoa gốm sứ theo phương pháp thủ công. Thời nay, vẫn còn đa số doanh nghiệp sản xuất gốm sứ vẫn còn áp dụng phương pháp sản xuất thủ công mặc dù có những cải tiến đáng kể. Và một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất gốm sứ chính là nung gốm.
Khi công việc chuẩn bị hoàn tất thì đốt lò trở thành khâu quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Vì thế giờ phút nhóm lò trở nên thiêng liêng trọng đại với người thợ gốm. Người thợ cả cao tuổi nhất thắp ba nén hương và thành kính cầu mong trời đất và thần lửa phù giúp.
Việc làm chủ ngọn lửa theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín thì lại hạ nhiệt độ từ từ chính là bí quyết thành công của khâu đốt lò.
Vậy quá trình nung gốm sẽ như thế nào và gồm những bước nào hãy cùng Gốm 10 khám phá nhé!
2. Các giai đoạn nung gốm
2.1 Chồng lò
Sản phẩm mộc sau quá trình gia công hoàn chỉnh được đem vào lò nung.
Việc xếp sản phẩm trong lò nung như thế nào là tuỳ theo sản phẩm và hình dáng, kích cỡ của bao nung trên nguyên tắc vừa sử dụng triệt để không gian trong lò vừa tiết kiệm được nhiên liệu mà lại đạt hiệu nhiệt cao. Bởi cấu tạo của mỗi loại lò khác nhau nên việc chồng lò theo từng loại lò cũng có những đặc điểm riêng.
Đối với loại lò sấp, người ta xếp sản phẩm từ gáy lò ra tới cửa lò, còn đối với loại lò đàn thì người ta xếp sản phẩm từ bích thứ 2 đến bích thứ 10 (riêng bích thứ 10 vì lửa kém nên sản phẩm thường để trần không cần có bao nung ở ngoài). Ở bầu cũi lợn (bầu đầu tiên) nơi giành để đốt nhiên liệu, có nhiệt độ cao nên đôi khi người ta xếp các loại sản phẩm trong các bao ngoại cỡ. Sản phẩm được xếp trong lò bầu giống như lò đàn. Riêng đối với lò hộp, tất cả các sản phẩm đều được đặt trong các bao nung hình trụ không đậy nắp và xếp chồng cao dần từ đáy lên nóc, xung quanh tường lò và chỗ khoảng trống giữa các bao nung đều được chèn các viên than.
Làng Bát Tràng xưa có các phường Chồng Lò, mỗi phường thường gồm 7 người (3 thợ cả, 3 thợ đệm và 1 thợ học việc). Họ chia thành 3 nhóm trong đó mỗi nhóm có 1 thợ cả và 1 thợ đệm, còn thợ học việc có nhiệm vụ bưng bao nung và sản phẩm mộc phục vụ cho cả 3 nhóm trên. Nhóm thứ nhất có nhiệm vụ chồng đáy (xếp bao nung và sản phẩm ba lớp từ đáy lên), nhóm thứ hai có nhiệm vụ chồng giữa (xếp ba lớp giữa), còn nhóm thứ ba là nhóm gọi mặt (xếp ba lớp cuối cùng ở vị trí cao nhất trong lò). Phường Chồng Lò ở Bát Tràng chủ yếu tập hợp những người thợ gốm ở Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Tây) và Vân Đình (Mỹ Đức, Hà Tây) chuyên phục vụ chơ các lò gốm Bát Tràng.
Ngày nay đối với lò ga thì việc chồng lò và nung lò trở nên đơn giản, tỉ lệ khuyết tật của sản phẩm cũng ít hơn vì vậy đây là loại lò được sử dụng rộng rãi trong các xưởng gốm ngày nay. Khi sử dụng lò gas chúng ta không cần dùng bao nung để bảo vệ sản phẩm.Sản phẩm được sắp xếp bên ngoài lò trên những tấm vỉ kê và trụ kê được làm bằng vật liệu chịu lửa, sau khi đã xếp đầy sản phẩm chúng ta mới đẩy phần đáy lò chứa sản phẩm này vào trong lò và đóng cửa lò lại. Trong quá trình xếp lò, phải tính toán sao cho tiết kiệm được diện tích tăng hiệu quả kinh tế nhưng phải bảo đảm khoảng không cho nguồn nhiệt lưu thông đồng đều khắp trong lò.
2.2 Quá trình nung đốt lò
Trước khi nung, sản phẩm được sấy từ 1 đến 3 giờ, tuỳ thuộc vào kích cỡ của sản phẩm. Các sản phẩm có kích cỡ lớn phải được sấy lâu hơn để tránh bị nứt trong khi nung. Mục đích của quá trình sấy là giảm độ ẩm trong sản phẩm nung, nhiệt độ sấy thường vào khoảng 200 OC.
Sau giai đoạn sấy, nhiên liệu được đưa thêm vào buồng đốt và đốt trong khoảng thời gian từ 4 - 5 giờ. Thời gian bảo ôn là 30 phút. Khi ngọn lửa trong gầm gi sáng trắng là lúc than trong lò đã cháy đều, lúc đó dừng đốt củi để than tự cháy trong lò. Quá trình này kéo dài từ 10 - 12 giờ. Quá trình nung đốt lò than thủ công được thực hiện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nung đốt của các thợ lò. Quá trình cháy trong lò là một quá trình tự nhiên, nhiệt độ nung phụ thuộc vào chất lượng than cám, cách phối liệu, đấu chế và số lượng than chồng vào lò.
Theo kinh nghiệm khi chồng lò thì lượng than chồng ở xung quanh tường lò và cửa lò nhiều hơn ở giữa lò. Than dùng trong gầm gi được đấu chế có tỷ lệ than cao hơn để dễ bén trong quá trình nung (tỷ lệ than 80%, chất độn 20%)
Nhìn chung đối với các loại lò sấp, lò đàn, lò bầu thì quy trình đốt lò đều tương tự nhau và với kinh nghiệm của mình, người "thợ cả" có thể làm chủ được ngọn lửa trong toàn bộ quá trình đốt lò. Ở lò đàn khoảng một nửa ngày kể từ khi nhóm lửa người ta đốt nhỏ lửa tại bầu cũi lợn để sấy lò và sản phẩm trong lò. Sau đó người ta tăng dần lửa ở bầu cũi lợn cho đến khi lửa đỏ lan tới bích thứ tư thì việc tiếp củi ở các bầu cũi lợn được dừng lại. Tiếp tục ném củi bửa qua các lỗ giòi. Người xuất cả bằng kinh nghiệm của mình kiểm tra kỹ các bích và ra lệnh ngừng ném củi bửa vào bích nào khi biết sản phẩm ở bích đó đã chín. Càng về cuối sản phẩm chín càng nhanh. Khi sản phẩm trong bích đậu đã sắp chín thì người thợ cả quyết định ném dồn dập trong vòng nửa tiếng khoảng 9-10 bó củi bửa qua lỗ đậu rồi kết thúc việc tiếp củi. Trong phường đốt lò, người phường trưởng (xuất cả) phụ trách chung về kỹ thuật, hai người thợ đốt ở cửa lò (đốt dưới), bốn người chuyên ném củi bửa qua cấc lỗ giòi (đốt trên).
Đối với lò gas: Bởi vì lò gas được thiết kế hiện đại nên nguồn khí đốt được chúng ta điều chỉnh bằng van điều áp và các van đóng mở bếp phun. Tùy theo loại sản phẩm mà chúng ta điều chỉnh thời gian và nhiệt độ cho thích hợp. Tuy nhiên, việc làm chủ hoàn toàn quy trình nung không phải là một công việc dễ dàng, trước tiên, chúng ta phải nắm vững tính chất của xương gốm, của men màu để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp. Người thợ đốt lò luôn có một sổ theo dõi quá trình nung của từng mẻ lò, để thường xuyên đối chiếu, điều chỉnh và rút kinh nghiệm cho những lần nung sau.
2.3 Giai đoạn làm nguội.
Quá trình làm nguội là một quá trình tự nhiên, thời gian từ khi chồng lò đến khi ra lò phải mất từ 4 - 5 ngày tuỳ theo sản phẩm nung đốt lớn hay nhỏ. Trong quá trình dỡ lò, vì sản phẩm và nhiên liệu được xếp chồng xen kẽ nên đây cũng là một khâu rất nặng nhọc, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động do bụi than và hơi nóng.
Sau khi nung xong người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi, lỗ xem lửa để làm nguội từ từ. Quá trình làm nguội trong lò kéo dài 2 ngày 2 đêm, sau đó mới mở cửa lò và để tiếp 1 ngày 1 đêm nữa rồi mới tiến hành ra lò.
Đối với lò đứng, việc đốt lò trở nên đơn giản hơn nhiều vì khi hoàn tất khâu chồng lò cũng có nghĩa là đã kết thúc việc nạp nhiên liệu. Thế nhưng do đặc điểm của lò, người thợ đốt lò dù có dầy dạn kinh nghiệm cũng rất khó có thể làm chủ được ngọn lửa, đây thực sự là vấn ra khó khăn nhất trong khâu kĩ thuật ở làng Bát Tràng. Người ta dùng gạch chịu lửa bịt cửa lò lại rồi nhóm lò bằng củi. Lửa cháy bén vào than và bốc từ dưới lên. Than trong lò cháy hết cũng là lúc kết thúc công việc đốt lò. Thời gian đốt lò kể từ lúc nhóm lửa đến khi hoàn toàn tắt lửa kéo dài khoảng 3 ngày 3 đêm. Sau khi lò nguội, sản phẩm ra lò được đánh giá phân loại và sửa chữa lại các khuyết tật (nếu có thể được) trước khi đem ra phân phối sử dụng.
Đối với lò gas đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh sản phẩm gốm của làng cổ Bát Tràng
3. Kết luận
"Lò gas là bước tiến của ngành gốm sứ, giúp đổi mới lò nung của Bát Tràng. Các cụ có câu "Ở trần gian, làm âm phủ" bởi khi đốt lò than thì không chỉnh được nhiệt độ nên người nung chẳng biết sản phẩm làm ra sẽ thế nào. Hơn nữa, trước đây, không chỉ mặt mũi luôn nhem nhuốc, hốc hác mà tôi chắc chắn cũng chẳng có thời gian ngồi nói chuyện bởi mỗi mẻ gốm phải mất 2-3 ngày xếp lò"
Ưu điểm của lò nung khí gas kiểu mới ít gây ô nhiễm, không tạo ra tro và khói, gây ra ít bụi và chất thải. Tiết kiệm thời gian, nhân lực. Lò mới cũng giúp giảm đáng kể lượng sản phẩm bị hỏng trong quá trình nung. Tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn là 95%, cao hơn 30 - 50% so với lò bầu và lò hộp cũ đốt bằng than. Hiệu suất này có được nhờ lò gas có khả năng duy trì nhiệt độ cao hơn và ổn định hơn so với lò cũ.