Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khi tới ngày giỗ của ông bà tổ tiên, dù đang sống ở bất cứ nơi đâu, con cháu đều cố gắng thu xếp thời gian để quây quần, sum họp bên bữa cơm gia đình. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, mặc bộ lễ phục chỉnh tề, dâng một nén nhang cúng bái bày tỏ tấm lòng thành, nguyện sống sao cho phải phép, xứng đáng với thế hệ cha ông. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ấy trong văn hóa của người Việt đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, rèn luyện đạo đức truyền thống, giữ gìn nề nếp gia phong, sống có tình nghĩa, hướng thiện, nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn.
Xem nhanh
1. Nguồn gốc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam
Thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng mang tính lịch sử - xã hội, tồn tại phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam
Tổ tiên là khái niệm dùng để chỉ những người có cùng huyết thống như: ông bà, cụ kỵ, cha mẹ,... đã có công sinh thành và nuôi dưỡng các thế hệ con cháu nhưng đã mất. Tục thờ cúng tổ tiên đã có từ thời nguyên thủy, thể hiện qua việc thờ những người đã khuất với ý nghĩa chính là thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành của mình và cầu mong họ sẽ phù hộ cho cuộc sống của người trần tốt đẹp hơn.
Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên này xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, gia đình phụ quyền. Kể từ khi xã hội Việt Nam chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, vai trò của người đàn ông càng được khẳng định trong gia đình. Trong gia đình, cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái từ bé mà đến khi lớn, cũng phải lo đủ các việc lớn như: dựng vợ, gả chồng cho con để tiếp nối hình thức phụ quyền. Nên người Việt luôn tôn kính, thờ phụng cha mẹ, ông bà, từ đời này qua đời khác.
Cũng xuất phát từ tư tưởng Nho giáo đề cao chữ Hiếu: “Trung chi quân, hiếu chi phụ mẫu, dữ chi bản”,...nên người Việt xưa rất hiếu thảo với cha mẹ và thờ phụng khi đã khuất.
Cũng từ nhận thức tôn giáo, Ph.ăng Ten chỉ rõ: “ tôn giáo sinh ra trong một thời đại hết sức nguyên thủy, từ những khái niệm hết sức sai lầm, nguyên thủy của con người về bản chất của chính họ và về thế giới tự nhiên bên ngoài, xung quanh họ”, cũng đúng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được xây dựng trên cơ sở tâm lý mang tính tôn giáo của con người.
2. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam đã trở thành một tôn giáo gọi là Đạo Ông Bà. Đây là một loại niềm tin. Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng tin rằng người chết không mất đi vĩnh viễn mà chỉ là đi sang một thế giói khác và vẫn thường xuyên qua lại trần gian thăm hỏi phù hộ cho con cháu. Do đó, nhiều người coi cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, đón nhận nó như một quy luật tất yêu của nhân gian, chết như thể là trở về cội nguồn, trở về vói bàn tay bao bọc che trở của ông bà, cha mẹ…
Nói rộng hơn, tổ tiên của người Việt còn bao gồm cả những người có công với cộng đồng làng xã, quê hương đất nước như vua Hùng, mẹ Âu Cơ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… Qua đây còn thể hiện một đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tốt đẹp của người Việt. Từ xưa cho đến nay đạo hiếu, lòng biết ơn người đi trước luôn là chuẩn mực của làm người đươc coi trọng hàng đầu của dân tộc ta. Tinh thần này đã bồi đắp nên ý chí kiên cường cho lớp lớp thế hệ người Việt trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Còn nhớ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết: “Thà đui mà giữ đạo nhà Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Câu nói của ông đă khích lệ nhân dân Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, tuy thất bại nhưng vẫn còn đó một huyền thoại bất khuất về các nghĩa sỹ Cần Giuộc. Bởi vậy khi nói đến khí chất và tính cách con người Việt Nam, chúng ta không thể nào không nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ hàng ngàn đời nay.
Chính vậy ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã thể hiện sự tồn tại của thế giới tâm linh, luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người. Tục lệ này còn bày tỏ lòng biết ơn, lòng thành kính đến đấng sinh thành, nuôi dưỡng của con người, cội nguồn của dân tộc.
Đồng thời, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng truyền tải đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nhằm nhắc nhở con cháu, thế hệ sau phải biết ơn công lao của cha ông mình. Đây là một nét đẹp trong văn hóa lâu đời của người dân Việt.
3. Ban thờ gia tiên gồm những gì?
Những vật phẩm cơ bản đặt trên bàn thờ gia tiên bao gồm: bát hương, chóe thờ, mầm bồng (đĩa hoa quả), kỷ thờ, lọ hoa, ống hương, đèn dầu/ chân nến. Ngoài ra còn có bộ đỉnh hạc, đĩa cau trầu, ấm chén thờ hoặc bát sâm, bát đũa thờ, Phật thủ, đài thờ (thay cho chóe thờ).
- Bát hương: là vật quan trọng nhất trên bàn thờ, nơi cư ngụ của thần linh. Khi đặt bát hương phải có điểm tựa, thường ở chính giữa bàn thờ. Mặt nhật nguyệt phải hướng ra ngoài với ý nghĩa sẽ soi đường dẫn lối cho con cháu có sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi, gia đình êm ấm... Tùy vào nhu cầu thờ cùng của từng gia đình mà có thể thờ một hoặc ba bát hương.
- Chóe thờ: Chóe thờ được dùng để đựng các lễ vật thờ cúng bao gồm gạo, muối, nước để dâng lên thờ cúng tổ tiên. Tùy theo kích thước bàn thờ, có thể lựa chọn 1 chóe, 2 chóe hoặc cả 3 chóe để bài trí.
-Mâm bồng (đĩa hoa quả):Mâm bồng là một trong những món đồ thờ cúng dùng để trưng bày ngũ quả, trầu cau hay tiền vàng. Tùy thuộc vào văn hóa thờ cúng của mỗi gia đình sẽ sử dụng 1, 2 hoặc 3 chiếc. Đối với những gia đình lựa chọn 3 chiếc thì chiếc ở giữa thường có kích thước lớn hơn dùng để đựng trầu cau và tiền mã.
- Kỷ chén thờ: Tùy vào kích thước ban thờ mà gia chủ có thể chọn kỷ loại 3 chén hoặc 5 chén. Nếu gia đình cúng lễ mặn thì sẽ rót rượu vào chén, còn lại thông thường sẽ đựng nước.
- Lọ hoa: Lọ lộc bình được sử dụng để cắm hoa vào rằm hay mồng 1 hàng tháng. Nên đặt lộc bình hay 1 đôi lọ hoa cho cân xứng. Nếu kinh tế gia đình khá giả nên mua thêm 1 đôi lọ lộc bình cỡ lớn chưng cạnh bàn thờ làm nổi bật bàn thờ và cả phòng thờ.
- Ống cắm hương: Ống hương hay còn được gọi là ống cắm hương được dùng để đựng hương hoặc đũa thờ và thường đặt trong cùng của góc trái bàn thờ. Tùy vào kích thước bàn thờ gia tiên mà gia chủ lựa chọn kích thước ống hương cho phù hợp.
- Chân nến, đèn dầu: Nên chọn 1 trong 2 loại là đèn hoặc chân nến. Không cần thiết nếu mua cả hai nếu bàn thờ nhà quý khách hẹp. Phòng thờ, ban thờ rộng mua cả 2 về chưng sẽ làm bàn thờ trông đẹp hơn.
- Bộ đỉnh hạc: hay còn gọi là bộ tam sự gồm: đỉnh sứ, đôi hạc (hoặc chân nến), khác với bộ ngũ sự gồm đầy đủ đỉnh sứ, đôi chân nến, đôi hạc thờ. Đỉnh hạc được đặt ở chính giữa bàn thờ đằng trước hoặc bên dưới bài vị tổ tiên với ý nghĩa mang lại nhiều cơ hội may mắn, có khả năng tránh tà khí và phù hộ cho con cháu trong gia đình. Tùy theo tài chính của gia chủ mà lựa chọn bộ tam sự hoặc bộ ngũ sự để thờ cúng.
- Đĩa cau trầu: Trên bàn thờ gia tiên thường bày lá trầu, quả cau, cùng với bát nước trắng tinh khiết, sắp xếp theo lề lối "đông bình", "tây quả" - bát nước đặt bên phải, trầu cau đặt bên trái.
- Ấm chén thờ hoặc Bát trà sâm: Bộ ấm chén thờ cũng là vật phẩm thờ cúng quan trọng khi thiết lập bàn thờ tổ tiên. Bộ ấm trà thờ cúng được sử dụng để pha trà và dâng lên tổ tiên mỗi ngày, thường được đặt trên đĩa, bao gồm 1 ấm và 3 chén hoặc 5 chén. Trà sau khi pha xong phải rót ra các chén thờ.
- Bộ đũa, bát thờ là đủ một mâm cỗ không thể thiếu được trên bàn thờ vì theo quan niệm của người xưa người dương như thế nào, thì người âm cũng như vậy. Bên cạnh đó, đũa thờ là biểu tượng của sự yêu thương và gắn kết còn bát thờ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự no ấm và tròn đầy.
- Bộ đài thờ: Bộ đài thờ dược dùng để chứa rượu, nước, muối hoặc gạo tùy theo phong tục từng nơi, mang ý nghĩa mong muốn cuộc sống được sung túc, đủ đầy, trên dưới thuận hòa, yêu thương lẫn nhau.
- Cốc Phật thủ: Cốc Phật thủ tượng trưng cho bàn tay Đức Phật ngự trị trong đời sống tâm linh mỗi người với hình tượng cao quý mang lại phước lành, bình yên, an lạc. Vì thế nhiều người dùng cốc Phật thủ trưng trên bàn thờ với mong muốn được nhiều may mắn, cuộc sống an lành, no ấm.