Cái tên Bát Tràng được hình thành từ thời vua Lê, là sự hội nhập giữa những dòng gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh và dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng. Năm dòng họ lớn đó là họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã hội tụ và đưa một số nghệ nhân nghề gốm cùng gia đình và con cháu dời làng, di cư về phía kinh thành Thăng Long để lập nghiệp. Nơi họ dừng chân chính là vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng.
Bộ ấm chén gốm Bát Tràng
Trong lịch sử nghề gốm Việt Nam, những thành tựu sáng tạo đặc sắc nhất đều xuất phát từ làng nghề Bát Tràng các nghệ nhân Bát Tràng qua quá trình thực nghiệm và cải tiến sản xuất. Một số loại gốm quý và độc đáo nhất của nước ta nổi tiếng trong và ngoài nước phải kể đến: gốm men ngọc (thời Lý – Trần), gốm men nâu – gốm hoa nâu ( cuối thời Trần – đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê - Trịnh), gốm men lam (cuối thời Lê – đầu nhà Nguyễn).
Cuối thời Trần, Lê, nhà Nguyễn thì các sản phẩm gốm ở Bát Tràng được xuất khẩu đi rất nhiều nước như Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản…cùng các nước Trung Đông và châu Âu, Pháp, Tây Ban Nha… mang tinh hoa nghề gốm Việt Nam đến với thế giới. Trong quá trình phát triển của nghề gốm Bát Tràng, các nghệ nhân luôn ý thức được điều quan trọng nhất để tồn tại qua bao thời kì là "thích nghi với hoàn cảnh".
Để những giá trị vật chất và tinh thần của đồ gốm Bát Tràng không bị mai một thì nghề gốm phải chuyển mình, biến đổi để phù hợp với nền kinh tế, xã hội qua mỗi thời đại. Từ những thế kỷ trước, gốm Bát Tràng thuộc loại cao cấp, xa xỉ nên thường chỉ dùng làm đồ thờ cúng như bát hương, chân đèn, bình hoa…nhưng sau này do thị hiếu và nhu cầu thị trường thì gốm Bát Tràng phổ biến trong cả đồ gia dụng, bát đĩa, lọ, bình…Đến cả các nghệ nhân Nhật Bản cũng đã từng tham khảo và bắt chước phong cách tạo hình, nét vẽ phóng khoáng với màu men đa dạng, đơn giản nhưng không đơn thuần, mộc mạc và sâu lắng của gốm Bát Tràng.
Hiện nay, gốm Bát Tràng được biết đến như một thương hiệu đồ gốm thủ công mĩ nghệ nổi tiếng trên thị trường. Đồ gốm Bát Tràng có những đặc thù như chất gốm dày, nặng, chắc tay, được nung ở nhiệt độ 1300 độ C, màu sắc cũng đa dạng với 5 loại men đặc trưng và nghệ thuật vẽ họa tiết hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của sự thăng hoa.
Tuy nhiên, khi kinh tế mở cửa hội nhập thì gốm Bát Tràng cũng tham gia vào cuộc đua với các loại gốm sứ nước khác, mà phải nói không đâu xa lạ chính là gốm sứ Trung Quốc. Tại nhiều gian hàng chợ, người tiêu dùng rất dễ tiếp cận với các sản phẩm Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, màu sắc sặc sỡ mà giá lại rất rẻ. Trong khi một bát cơm Bát Tràng có giá từ 8 đến 12 ngàn thì sản phẩm của Trung Quốc lại rẻ hơn nhiều, chỉ bằng một nửa giá bát cơm Bát Tràng.
Tất nhiên, các loại hàng Trung Quốc giá rẻ thì không thể có độ bền cao về men hay chất gốm, họa tiết không phải vẽ thủ công mà in decal bằng máy móc công nghiệp, không thể biết được có chất gây hại cho sức khỏe hay không. Để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, nghệ nhân gốm Bát Tràng đang ngày càng nổ lực cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng hơn, mẫu mã đẹp mắt hơn và phụ hợp với thị hiếu người tiêu dùng, ngoài đồ gia dụng và đồ thờ cúng thì nay đồ gốm Bát Tràng còn xuất hiện trong các tranh sơn mài trên gốm, tranh gốm, các con vật trưng bày, đồ chơi, chuông gió...
Tranh sứ Bát Tràng vẽ cá vàng
Để có được ngày hôm nay, ít ai ngờ được đồ gốm Bát Tràng đã có một thời đứng trước nguy cơ mai một, cả làng chỉ có vỏn vẹn vài lò gốm. Người nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, ngoài cái tinh, cái nhạy còn mang trong mình một tình yêu sâu sắc nghề làm gốm cổ truyền. Những sản phẩm được sinh ra trên mảnh đất Việt Nam, là niềm tự hào về sự sáng sạo và trí tuệ người Việt, là nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh hoa của dân tộc được lưu giữ và gửi gắm từ đời ông cha xưa đến nay. Người Việt dùng hàng Việt là cách lưu giữ và tạo điều kiện cho nghề gốm Việt Nam phát triển hơn, nhờ đó quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới.