Nhắc đến "heo đất" chắc hẳn không ai trong chúng ta là không biết. Lợn tiết kiệm còn có nhiều tên gọi khác ví dụ như lợn đất, lợn sứ, heo tiết kiệm hay lợn bỏ ống là một vật dùng để tích cóp những đồng xu hoặc tiền lẻ. Vậy nhưng, bạn đã bao giờ tự hỏi “ống heo tiết kiệm” có nguồn gốc thế nào không?
Thực tế, từ thời Trung Cổ con người đã phát minh ra hũ cất tiền được gọi là “pygg” hoặc “big jar”. Vào thời kỳ Trung Cổ, thay vì sử dụng các loại kim loại đắt đỏ, người ta sẽ ưu tiên các đồ vật bằng đất sét. Vì vậy, các “ống heo” được làm từ đất sét pygg có màu cam. Đây là loại đất sét rẻ tiền và nó thường được dùng thay thế các vật liệu khác như thạch cao, nhựa và thủy tinh.
Ống heo Majapahit có niên đại từ thế kỷ 14/15 ở Trowulan, Đông Java. (Ảnh: Commons Wikimedia) Tuy nhiên, tên của đất sét “pygg” đã nhanh chóng trở thành một thuật ngữ đặc biệt vào thế kỷ 18, dùng để chỉ những lọ tiết kiệm được gọi là “ống heo”. Tuy nhiên, người Tây Âu không phải là người duy nhất muốn tiết kiệm một món tiền bằng “ống heo”.
Hũ gốm được dùng làm ống heo ở Nepal. (Ảnh: Commons Wikimedia) Theo đó, “ống heo” đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đầu tiên được chế tạo ở miền Đông Java trong thế kỷ 14. Nó được làm từ đất nung, có hình dạng như con heo với một khe nhỏ ở giữa lưng. Việc sử dụng ống heo của người Java chưa từng bị gián đoạn trong bất kỳ giai đoạn nào, đây là điều cực kỳ hiếm thấy.
Có thể nói, lợn đất là một trong những món đồ gắn liền với tuổi thơ của mỗi đứa trẻ. Nếu bố mẹ của chúng thường gửi tiền tiết kiệm vào những ngân hàng để lấy lời thì trẻ em cũng có ngân hàng riêng của chúng, chỉ khác là ngân hàng này không sinh lời và được bày hết sức trang trọng trong tủ. Chính vì vậy, lợn đất còn được gọi là “still bank” (ngân hàng không sinh lời).
Rất thịnh hành vào đầu thế kỷ XIX, “ngân hàng tiền xu” thường mang hình dáng những chú lợn xinh xắn, được làm bằng gốm, sứ hoặc nhựa. Ở Mỹ, thói quen “nuôi” lợn đất phát triển mạnh vào khoảng thập niên 1950. Hầu hết các trẻ em thời đó đều được khuyến khích nuôi lợn đất đến khi không còn chỗ để nhét thêm tiền xu thì mới được đập vỡ lợn. Số tiền lấy được từ lợn đất một phần được dùng để mua đồ chơi, sách truyện, quần áo, còn lại sẽ được gửi vào ngân hàng.
Ở Việt Nam, phong tục bỏ tiền vào heo đất cũng đã gắn bó với người dân từ xa xưa, nhưng ngày đó chỉ là những tiền xu, tiền hào, những đồng tiền lẻ với mong muốn tích cóp, tiết kiệm cho những dự định trong tương lai. Miền quê gọi là “lợn đất “, ở các thành phố gọi là “heo đất”, dù những cái tên được đặt khác nhau ở mỗi miền nhưng cùng là người bạn thân của mỗi đứa trẻ nhỏ.
Con heo đất có hình dáng đầu tròn được làm bằng nguyên liệu sứ của làng nghề gốm, có nhiều màu sắc khác nhau, trên lưng có một đường xẻ vừa vặn để thả những đồng xu hay những phong bao lì xì.
Không phải tự dưng con heo được chọn là người bạn thân của mỗi đứa trẻ cầm trên tay, là nơi lưu trữ để tiền lì xì Tết của trẻ nhỏ, bởi hình ảnh con heo bầu bĩnh cái bụng và khuôn mặt có ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc và ấm no.
Heo đất ngày nay, heo đất không chỉ để giữ tiền tiết kiệm mà còn là món quà truyền thống tặng các thành viên trong gia đình. Các bậc phụ huynh không quên sắm những chú heo đất làm quà cho con cái để con bỏ tiền lì xì vào đó như một khoản tiết kiệm. Nó là một cử chỉ quan tâm của người lớn dành cho trẻ nhỏ gửi vào đồng tiền cùng lời chúc mừng may mắn trong năm mới của người Việt Nam.
Bỏ tiền vào heo đất mang tính chất tượng trưng cho sự may mắn, khích lệ những đứa trẻ nhỏ chăm ngoan học tốt và biết tiết kiệm, sống cần kiệm và để đầu xuân rước lộc. Những chú heo đất thể hiện nỗi niềm ước mơ tuy nhỏ nhưng đối với những đứa trẻ lại là cả một giấc mơ mỗi khi Tết đến xuân về.
Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay nhiều người nuôi heo đất với mong muốn có thể san sẻ với những người kém may mắn hơn mình, đó là một món quà có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với những hoàn cảnh khó khăn và là bài học quý giá trong thời buổi công nghệ số.
Heo đất gắn với phong tục lì xì của dân tộc ta không biết từ bao giờ, nhưng nó là tuổi thơ của những người đã làm cha, làm mẹ; là những giấc mơ ấp ủ của những đứa trẻ; là một nét đẹp truyền thống mà chúng ta cần phải gìn giữ.