1. Lịch sử gốm Bát Tràng
Cách Hà Nội khoảng 10km, Làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng. Theo sổ sách ghi chép lại, làng Bát Tràng ra đời gắn liền với kinh đô Thăng Long. Tương truyền, các nghệ nhân đã hội tụ về kinh thành Thăng Long theo chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ, khi đặt chân đến tả ngạn sông Nhị (Sông Hồng ngày nay) đã phát hiện ra nguồn đất sét trắng, đây là nguồn nguyên liệu dùng để làm gốm. Sau đó, họ quyết định lập làng và phát triển nghề làm gốm tại đây. Trải qua hàng trăm năm, trải qua bao thăng trầm, làng nghề Bát Tràng vẫn giữ nguyên nét truyền thống bền vững theo thời gian.
Bộ đồ thờ cúng được làm từ gốm Bát Tràng
Theo quan niệm của người xưa các vật phẩm được làm bằng gốm có liên quan đến ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ). Khi kết hợp cả 5 yếu tố lại với nhau sẽ tạo nên hồn cốt của gốm Bát Tràng.
− Kim: Ngâm trong xương và men gốm, tạo nên nét đẹp của đồ gốm
− Mộc + Hỏa: xuất phát từ rơm, tre, củi tạo lửa giúp gốm trở nên chắc chắn và sáng bóng
− Thủy: là nguyên liệu hòa với đất tạo nên dáng hình của gốm – biểu tượng của tâm hồn
− Thổ: là cội nguồn tạo ra xương thịt của gốm
2. Gốm Bát Tràng – Tinh hoa đất Việt
Hình ảnh gốm Bát Tràng đã trở nên quen thuộc trong văn hóa truyền thống Việt Nam, xuất hiện cả trong những lời thơ, câu ca dao,...
“Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”
Từ xưa gạch Bát Tràng được xem là một trong bốn loại “đặc sản” của vùng Bắc Bộ, đi đôi với bộ tam: Tơ Nam Định, chiếu Nga Sơn, và lụa Hà Đông. Tuy nhiên, hiện nay gốm mới là sản phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến khi nhắc đến làng Bát Tràng.
Sản phẩm gốm Bát Tràng rất phong phú và đa dạng, được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Từ những chiếc bát lộc bình cho đến những bình vôi, chân đèn,... đều được chế tác rất tinh xảo bằng nhiều chất liệu men rạn, men ngọc, men chảy,... Ngoài sản xuất ra những sản phẩm trưng bày truyền thống, gốm Bát Tràng còn tạo ra các mặt hàng tiêu dùng quen thuộc trong đời sống như: bát ăn cơm, đĩa, bộ ấm chén, lọ hoa,...
Bộ chén đĩa gốm Bát Tràng
Nhờ tài nghệ và sự sáng tạo của mình, các thợ làm gốm đã phối hợp màu sắc và các lớp men với nhau tạo thành những đường nét uyển chuyển, tinh tế. Từ những sản phẩm thô trơn trở thành những vật phẩm được điểm xuyết hoa văn, chạm trổ sinh động. Nhờ vậy, sản phẩm gốm Bát Tràng từ xưa đến nay vẫn rất được lòng khách hàng trong và ngoài nước.
Từ những năm cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, gốm Bát Tràng đã được xuất khẩu và bán sang các nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, các nước thuộc khu vực Trung Đông và Châu Âu. Cho đến tận ngày nay nhiều di vật về gốm Việt Nam được lưu giữ lại, trong đó có cả gốm Bát Tràng.
3. Gốm Bát Tràng nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận
Ngày nay, tuy có nhiều lựa chọn, với nhiều chất liệu khác nhau, nhưng bát đĩa, bình hoa, tượng, tranh gốm... vẫn được nhiều người yêu thích, mua về làm vật dụng trong nhà, làm đồ trang trí hoặc quà tặng người thân, bạn bè. Từ chất men bóng cho đến từng đường nét trang trí tinh xảo của gốm Bát Tràng đều khiến không ít khách hàng phải trầm trồ, kể cả những khách hàng khó tính nhất cũng khó lòng cưỡng lại.
Tranh sứ men ngọc đắp nổi cá chép
Người làm gốm yêu nghề như yêu những gì thân thuộc nhất trong cuộc sống của họ. Từ đời này đến đời khác nét “cổ” sâu bên trong từng sản phẩm gốm Bát Tràng vẫn vẹn nguyên. Dù có sự va chạm giữ hiện đại và truyền thống, nhưng nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của các nghệ nhân đã đưa gốm Bát Tràng đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.
Điểm qua những dòng sản phẩm dưới đây sẽ thấy rõ tài hoa của người làm gốm, không chỉ đạt được độ khéo léo, tinh tế mà còn thổi hồn vào từng sản phẩm. Phong thái ung dung của Bác, nét uy nghiêm của Hai Bà Trưng và những nhân vật cổ tích đều hiện lên sinh động sau lớp men của chất gốm Bát Tràng.
Chân dung Bác Hồ được làm từ gốm
Thần sắc tĩnh tọa của bộ tượng 18 vị La Hán
Nét uy phong của Hai Bà Trưng khi ra trận
Hình ảnh Thị Nở - Chí Phèo trong tác phẩm của Nam Cao cũng được tạo dáng rất thực và có hồn
Tưởng chừng như dễ nhạt phai giữa sự phát triển chóng mặt của thời đại, nhưng gốm Bát Tràng từ bao đời nay vẫn lưu giữ được truyền thống văn hóa lâu đời. Mỗi sản phẩm là kết tinh của sức lao động cần cù, và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người lao động Việt. Bên cạnh đó, nghề làm gốm là nghề truyền thống mang lại những giá trị nghệ thuật văn hóa rất đáng được trân trọng và lưu truyền.