1. Ý nghĩa của những chiếc bát không người ăn trên mâm cơm Việt
Ngày còn nhỏ, mỗi lần nhà làm cỗ để thắp hương, mẹ lại sai tôi chạy tít vào tận nhà trong mở cái hòm gỗ, lấy ra bộ bát ăn tinh tươm chỉ chuyên dành những dịp cúng giỗ này. Mẹ dặn phải lau sạch sẽ, lựa đủ mỗi mâm một bộ 6 bát ăn, 6 đôi đũa, rồi đưa mẹ để sắp lên mâm cơm cúng các cụ. Bát nào đũa nấy, đặt ngay ngắn và gọn gàng.
Tôi thắc mắc sao lại là 6 chiếc bát, 6 đôi đũa mà không phải ít hơn hay nhiều hơn, con lấy 7 cái bát có được không, nhỡ các cụ nhà mình về đông hơn thì sao? Mẹ cười, đấy là tục lệ! Để tượng trưng 6 bát là được rồi!
Câu hỏi ngây thơ ấy, khi đi qua nhiều năm tháng cuộc đời tôi bẵng quên đi mất. Mẹ tôi đã khuất núi. Ngày giỗ mẹ, tôi kêu đứa cháu nhỏ đi sắp bát đũa bày lên mâm cúng, chúng hỏi y chang câu năm xưa, khiến tôi sực nhớ ra. Mâm cao cỗ đầy sum suê xôi chả, con gà luộc vàng ươm ngậm bông hồng nghển cổ nhìn lên ban thờ, sáu bộ bát xếp ngay ngắn cạnh mâm cỗ trống không người ăn, mắt bỗng cay cay lại nhớ mẹ năm nào.
Xưa quê tôi có tục xếp mâm ăn cỗ 6 người, các bác trong nhà đùa rằng: Sắp cỗ cúng cũng để 6 bát cho các cụ “đủ mâm”. Thời xưa đói khổ, được về ăn cơm với con cháu, giống như đi ăn cỗ vậy.
Sau này, khi đã đi nhiều tôi mới biết, có nơi chỉ đặt 5 món ăn, bát canh là trung tâm, 5 bộ bát đĩa cúng đại diện cho Ngũ hành. Nếu gia đình làm cỗ là trưởng tộc, sẽ bày 9 bát xếp chồng lên nhau, nếu chỉ là con trưởng thì mâm cơm cúng để 7 bát xếp chồng lên nhau, còn các con thứ, con gái có lòng cúng cha mẹ thì chỉ để 5 bát.
Đất theo lề, quê theo thói, mỗi vùng miền mỗi tập tục khác nhau, nhưng điểm chung là bộ bát đĩa thờ cúng cơm tuyệt nhiên luôn là bát đĩa mới, không bao giờ để chung hay để lẫn với bát ăn hàng ngày của gia đình.
Ngày giỗ tết, đặt bát đũa ngay gọn cạnh mâm cơm cúng, chính là để mời ông bà gia tiên về đoàn viên, cùng chứng giám niềm vui, nỗi buồn với con cháu. Đó là cách để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, mỗi khi có thức ăn ngon đều nhớ dâng lên bố mẹ, ông bà trước nhất, dù là đã khuất vẫn nghiêm cẩn như khi vẫn còn.
Người Việt có quan niệm: “Sống là gửi, thác mới là về”. Người xưa coi chết chính là một dạng thức mới của sự sống. Nghĩa là gia tiên ông bà sẽ vẫn luôn ở bên quan sát, độ trì, và soi lối chỉ đường cho cháu con trong cuộc sống, làm ăn. Có chăng, chỉ là họ không còn hiện ra dưới vóc dáng, hình hài tứ đại, nên đó mới được gọi là cõi vĩnh hằng.
Bởi thế, cháu con nhất mực nghiêm cẩn chuyện thờ phụng, hương đèn, bằng tâm thành, gia tiên sẽ luôn ở bên độ trì, che chở, soi đường chỉ lối cho cháu con.
Những chiếc bát cúng trên mâm chính là nét đẹp văn hóa, gói ghém tập tục, thông điệp sống lấy Hiếu làm đầu để truyền lại cho hậu nhân.
2. Bộ bát đĩa thờ cúng Bát Tràng – Biểu tượng cho sự ấm no, tròn đầy
Lưu giữ nét đẹp văn hóa này, người thợ gốm Bát Tràng hôm nay vẫn gửi trọn tâm tư trong từng sản phẩm bát đĩa thờ cúng, để thế hệ cháu con ngàn đời cung kính dâng hiếu gia tiên mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết.
Hoa văn nguyên bản, màu men tinh khôi với sắc men lam bay bổng hay làm chàm cổ kính. Có khác là hình dáng bát, đĩa được cách điệu để đẹp hơn và phù hợp với không gian thờ của ngôi nhà hiện đại.
Bộ bát đĩa thờ tượng trưng cho sự đầy đủ, ấm no, đại diện cho linh khí của trời và đất. Người ta tin rằng bát đĩa thờ cúng càng được chuẩn bị chỉn chu thì lòng thành kính của con cháu dành cho tổ tiên sẽ càng được ghi nhận. Từ đó, gia đình sẽ được bề trên phù hộ tránh khỏi những điềm xui, ngày càng thịnh vượng, gia đạo êm ấm cùng công việc phát đạt, tiền tài như nước,... Bên cạnh đó, bộ bát đĩa thờ sang trọng giúp không gian thờ trở nên nghiêm trang và tinh tế hơn.
Trong văn hóa Việt, bát cúng là biểu tượng cho sự ấm no, tròn đầy. Còn đũa thờ là đại diện cho yêu thương gắn kết giữa tổ tông với con cháu. bát đĩa thờ cúng bởi được làm từ gốm sứ là đại diện trọn vẹn
Bát và đũa trong bộ bát đĩa thờ cúng còn tượng trưng cho Âm – Dương và linh khí trời đất. Đây cũng được xem là những vật phẩm thờ cúng quan trọng, không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà.
Với những gia đình thờ Phật hoặc cúng cơm chay, chén bát cúng chay cũng cần tách biệt với bát đĩa cũng mặn nhằm giữ sự thanh tịnh. Đặc biệt, bộ bát đĩa thờ cúng Phật thường được gia chủ ưu tiên chọn họa tiết trang trí là hoa sen – mang ý nghĩa gần gũi với Phật giáo, trong khi bát cúng gia tiên đôi khi mang họa tiết rồng, phượng hay hoa lá đa dạng, phong phú.
Ý nghĩa của bộ bát đĩa thờ cúng xuất phát từ quan niệm Trần sao – Âm vậy của người Việt, nhưng Âm Dương có một ranh giới rạch ròi. Việc sửa soạn riêng một bộ bát đĩa thờ cúng là lòng thành kính của cháu con với tổ tông.
3. Vị trí của bộ bát đĩa thắp hương trên bàn thờ
Để bày những món ăn lên bộ bát đĩa để thắp hương sao cho thật đẹp, chúng ta cần sắm những bộ bát đĩa mới, đồng nhất với nhau trong cùng một bộ. Bộ bát đĩa dùng để thắp hương và bày đồ cúng phải là đồ mới, không qua sử dụng và sử dụng riêng rẽ với bộ bát đĩa dùng thường ngày trong gia đình dùng để ăn uống.
Các gia đình cần chú ý vị trí bày mâm cúng trên bàn thờ, đối với những mâm cỗ mặn, chúng ta không nên bày ở nơi cao nhất trên bàn thờ (các gia đình thường ưu tiên sử dụng bàn thờ tam cấp hoặc nhị cấp) vì mâm cỗ mặn có các món liên quan đến việc sát sinh, đây là điều cấm kỵ trong nhà Phật cũng như trong tín ngưỡng dân gian.
Với những gia đình ở chung cư hay những gia đình có ban thờ nhỏ, khi cúng cỗ mặn, phải đặt riêng mâm cúng ở bên dưới trên một chiếc bàn nhỏ.
Nếu gia đình chuẩn bị mâm cỗ chay để cúng thì có thể bày các món ăn chay thanh tịnh trên tầng cao nhất của ban thờ.
Thông thường, chúng ta sẽ để bát đũa ngay ngắn, gọn gàng bên cạnh mâm cơm cúng. Vì vậy, việc để bát đũa ở đâu sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta thắp hương món mặn hay món chay.
4. Vì sao nên chọn bộ bát đĩa thắp hương bằng gốm sứ
Cùng với sự phát triển của đời sống tâm linh, các sản phẩm đồ thờ cúng nói chung và bộ bát đĩa thờ cúng nói riêng được làm theo nhiều chất liệu khác nhau. Phổ biến nhất là đồ thờ làm bằng đồng và bằng gốm sứ. Trong đó bộ bát đĩa thắp hương bằng gốm sứ vẫn luôn được ưa chuộng và sử dụng phổ biến hơn cả.
Bộ bát đĩa cũng gốm sứ đem đến sự hài hòa về mặt phong thủy, bởi Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ là 5 yếu tố tạo nên trời đất. Thông thường trên ban thờ gia tiên, chân đỉnh đồng tượng trưng cho hành Kim, bài vị làm bằng gỗ tượng trưng cho Mộc, chén nước tượng trưng cho Thủy, ngọn nến và đèn dầu tượng trưng cho Hỏa và vật phẩm chất liệu gốm sứ tượng trưng cho hành Thổ. Chính vì vậy, chọn vật phẩm bằng gốm sứ sẽ đem đến sự dung hòa và giá trị phong thủy tốt. .
Qua bài viết này, chúng ta đã cùng tìm hiểu về ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của bộ bát đĩa thờ cúng trong văn hóa truyền thống của người Việt. Phong tục thờ cúng tổ tiên không chỉ là hành động tôn kính tổ tiên, mà còn chứa đựng những ý nghĩa về sự trọn vẹn, sức sống mãnh liệt và mong ước cho linh hồn người quá cố được tiếp tục hành trình một cách bình an và đầy đủ. Đây là một phần không thể thiếu của văn hóa, là cách để gìn giữ, tôn vinh và kết nối mọi người với nguồn gốc, tổ tiên của họ.