Cỗ Bát Tràng hội tụ nhiều món ngon, được chế biến kỳ công, tỉ mỉ từ đôi tay khéo léo của người dân làng gốm nổi tiếng bao đời. Nếu có dịp du lịch Hà Nội, ghé làng gốm Bát Tràng, du khách đừng quên thưởng thức thử những món ngon trong mâm cỗ độc đáo, hấp dẫn này nhé!
1. Điều gì làm nên nét đặc biệt cho cỗ Bát Tràng?
Nhắc đến Bát Tràng, hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến làng gốm Bát Tràng - một làng nghề truyền thống nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây còn có nền văn hóa ẩm thực truyền thống độc đáo. Trong đó, cỗ Bát Tràng được xem là mâm cỗ thể hiện trọn vẹn nét đẹp tinh túy, đặc sắc văn hóa ẩm thực xứ Kinh Kỳ xưa.
Cỗ Bát Tràng cũng giống như cỗ vùng đất Kinh Kỳ, nhưng vẫn có những nét riêng biệt tạo nên sự độc đáo. Mâm cỗ cổ truyền trong gia đình giàu có ở làng Bát Tràng xưa gọi là cỗ bát trân (6 bát 8 đĩa) nhằm tượng trưng cho phát tài phát lộc. Đối với gia đình trung lưu và bình dân, mâm cỗ thường được bày biện gồm 4 bát 4 đĩa nhằm tượng trưng cho bốn mùa và bốn phương.
Cỗ Bát Tràng có lẽ là cái tên khá xa lạ với nhiều người. Nhưng đối với những người sành ăn, mâm cỗ này có lẽ quá quen thuộc. Cỗ Bát Tràng không chỉ hấp dẫn người thưởng thức ở hương vị mà còn ở cách trình bày tinh tế, đẹp mắt. Mỗi món ăn mang một câu chuyện riêng được chọn lọc, sắp xếp trong một mâm cỗ để tạo nên một ý nghĩa tròn đầy. Ở đấy có đủ sắc, hương, vị hòa quyện vào nhau tạo nên một mâm cỗ ngon, ý nghĩa, đẹp mắt, hấp dẫn người dùng.
2. Mâm cỗ Bát Tràng bao gồm những món gì?
Mâm cơm cổ truyền của người Bát Tràng không thể nào thiếu canh măng mực và canh bóng. Vì thế, trong mâm cỗ cũng có các món canh này kèm các món: thịt gà, nem chim câu, chả tôm, mực khô xào su hào, xôi vò ăn kèm chè và các loại rau theo mùa.
2.1. Canh măng mực
Làng cổ Bát Tràng không chỉ là nơi cất giữ tinh hoa lâu đời của nghề gốm sứ cổ truyền mà còn mang trong mình nét ẩm thực độc đáo và đầy tự hào. Người Bát Tràng xưa, người Hà Nội nay, trong mâm cỗ của mỗi nhà chẳng thể thiếu được bát canh măng mực đậm đà hồn quê.
Chưa có một làng quê nào lại sở hữu món canh quê nồng hậu, thơm ngon và ấm áp đủ đầy vị rừng vị biển như vậy. Món canh với 2 nguyên liệu chính là măng khô và mực khô hoà quyện làm nên món ngon trong mâm cỗ của người Bát Tràng nổi danh khắp các vùng.
Đây là món canh đặc biệt, làm nên “thương hiệu” cỗ Bát Tràng danh bất hư truyền.
Măng khô chị em nấu, hầm với nhiều nguyên liệu khác như chân giò, thịt bò, sườn heo, chứ nấu với mực thì ít người biết, đặc biệt là mực khô thì càng không nhiều. Canh măng mực Bát Tràng có sự thơm ngát, mộc mạc của măng khô uống sương rừng mà lớn và vị biển mặn mòi, đậm đà của mực biển phơi khô. Canh măng mực phải nấu với mực khô mới "đúng bài". Còn mực có tươi đến mấy, dù vừa bắt ở dưới biển lên thì cũng đã biến thành hương vị khác rồi.
Canh măng mực bày ra bát có màu vàng bắt mắt. Khi ăn, người ta cảm nhận được vị ngọt thanh mát nước dùng, măng giòn, mực ngọt hòa quyện vào nhau tạo thành hương vị thơm ngon khó cưỡng. Nếu có dịp du lịch Bát Tràng, bạn nhớ thử món canh thanh mát này nhé!
Không biết sự ngẫu hứng nào đã đưa món canh này đến với người Bát Tràng, nhưng canh măng mực đã trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, các ngày trọng đại. Hơn hết, món canh măng mực lại vô cùng thích hợp để xuất hiện trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp và mâm cỗ chiều 30 Tết.
Đây là một món ngon ngày Tết hội tụ "rừng vàng biển bạc" trên dải đất hình chữ S.
2.2. Nem chim bồ câu
Nem chim câu là món ngon không thể thiếu trong mâm cỗ Bát Tràng dùng để tiến Vua. Về cơ bản, nguyên liệu làm nem chim bồ câu cũng giống như những món nem thường. Nhưng thay vì dùng thịt lợn băm nhuyễn thì người ta dùng thịt chim bồ câu thay thế.
Thịt chim câu được băm nhỏ, ướp gia vị. Khi gói nem, người ta trộn thịt cùng rau củ, trứng rồi cho thêm chút dầu ăn để nem không khô. Dưới bàn tay khéo léo của người Bát Tràng, nem được gói vừa tay, không lỏng quá mà cũng không chặt quá. Món nem đạt chuẩn là các cuốn đều nhau, vỏ bên ngoài vàng tới, nhân ngọt bùi vị riêng của thịt chim câu.
2.3. Chả tôm nướng
Chả tôm nướng cũng là một trong những món quan trọng trong mâm cỗ Bát Tràng. Để chế biến món ăn này, người ta dùng tôm để nguyên phần thân hoặc băm nhỏ. Sau đó đem bọc lá lốt và cho vào nướng than.
Theo đó, muốn món chả tôm ngon, tôm phải là tôm Nghệ An và món ăn phải được nướng than mới chuẩn vị. Chả tôm được chấm với một loại sốt đặc biệt có rắc vừng lên trên. Món ăn mang hương vị rất riêng, làm nên nét đặc trưng cho mâm cỗ Bát Tràng.
2.4. Canh bóng
Nói đến mâm cỗ Bát Tràng cổ truyền không thể nào thiếu món canh bóng. Canh bóng hay canh bóng bì được chế biến khá cầu kỳ với hơn 10 loại gia vị. Để có được món ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, công đoạn làm bóng bì khá vất vả. Sau khi làm sạch, bì lợn được cắt thành hình quả trám, trong suốt mọng nước.
Bì được cho vào nồi nước dùng gà hoặc ninh từ tôm nõn, tôm he. Nồi canh được chần thêm su hào, cà rốt tỉa hoa, súp lơ, mọc, hành lá, gan lợn… tất cả quyện trong nước dùng ngọt lịm. Món ăn thể hiện sự tỉ mỉ, kỳ công, tinh tế của người phụ nữ làng Bát Tràng xưa. Để có một bát canh ngọt lành, người phụ nữ đã dành cả tâm tư tình cảm để nêm nếm và làm ra nó. Ai đã thưởng thức qua một lần, hẳn sẽ nhớ hoài cái dư vị ngọt thanh, ngon lành khó cưỡng.
2.5. Mực khô xào su hào
Mực xào su hào- mới nghe tên món ăn thôi cũng khiến không ít người tò mò tại sao mực khô lại kết hợp được với su hào để tạo thành một món mực ngon ăn vừa lạ vừa quen. Quen vì su hào ai cũng biết, cũng ăn rồi và mực khô thường được nướng bằng cồn rồi nhâm nhi làm mồi nhậu. Nhưng hai thứ này mà kết hợp lại với nhau lại tạo nên cái “lạ”. Ấy vậy mà người Bát Tràng chúng tôi lại có sự kết hợp tinh tế từ những thứ tưởng như không thể thành một món ăn mang hương vị của quê mình, một món ăn không thể thiếu trong tiệc của người làng gốm.
Đây cũng là một món ăn không thể thiếu vào các dịp lễ Tết ở Bát Tràng. Su hào được mang đi tước bỏ vỏ, thái lát mỏng rồi sau đó thái sợi mỏng. Để món ăn thêm màu sắc, người ta cho thêm cà rốt thái sợi. Su hào đem ướp với muối cho tiết nước bên trong rồi rửa sạch nhiều lần và vắt ráo để đảm bảo được độ giòn ngọt. Mực khô giòn dai kết hợp với su hào tươi mát làm nên đĩa su hào xào mực nóng hổi, giòn sần sật, thơm lừng.
2.6. Gà luộc
Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của nhiều vùng miền. Trong mâm cỗ Bát Tràng, gà luộc cũng được chế biến kỳ công, tỉ mỉ như những món ăn khác. Để có món gà luộc ngon, người ta thường chọn loại gà ri nhỏ dưới một năm tuổi để khi luộc da có màu vàng, sáng bóng, đẹp mắt. Thông thường, nước luộc gà sẽ tận dụng để nấu canh măng mực, canh bóng cho ngọt nước.